MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp bất động sản cần đa dạng hoá nguồn vốn. Ảnh: Phúc Đạt

Bất động sản cần tìm thêm nguồn vốn ở chứng khoán, trái phiếu

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 13/02/2023 13:30

Cùng với vốn tín dụng ngân hàng, phía cơ quan chức năng và chuyên gia kinh tế thống nhất quan điểm các kênh khác như vốn chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... cũng cần phải khơi thông để cùng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản (BĐS) và nền kinh tế.

Đa dạng các kênh vốn, tránh phụ thuộc vào ngân hàng

Một trong năm đề xuất mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đưa ra với các doanh nghiệp BĐS mới đây, đó là doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tài chính để đa dạng hóa khả năng huy động vốn từ các nguồn vốn khác, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng.

Bởi nếu phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, trong trường hợp lạm phát cao, chính sách tiền tệ phải thắt chặt thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. 

Trước đó, một lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết, qua đánh giá chung, ngành ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng đối với thị trường BĐS. 

"Tín dụng BĐS là vốn trung dài hạn, còn bản chất của hoạt động ngân hàng thương mại là ngắn hạn đáp ứng vốn lưu động cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, với cơ cấu tín dụng hiện nay, ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực, trong bối cảnh các kênh dẫn vốn khác đang gặp khó khăn” - vị lãnh đạo này cho biết. 

Trong khi đó, TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - cũng đánh giá, thị trường BĐS có vai trò và tiềm năng lớn của nền kinh tế. Từ đó, khôi phục thị trường BĐS là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. 

Ông Lộc cho rằng, thu hút dòng tiền trở lại thị trường BĐS, trước hết phải giải quyết các vấn đề về thể chế và pháp lý, thủ tục hành chính, đồng thời, thực hiện đa dạng hoá các nguồn vốn. 

"Cần giải quyết các vướng mắc về thủ tục và thể chế để trên cơ sở đó dẫn dắt cho việc tái cấu trúc thị trường vốn cho BĐS và khơi thông nguồn vốn vào thị trường này” - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Thế khó với các ngân hàng thương mại

Về phía các ngân hàng, theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) - nhu cầu tín dụng BĐS thường là với thời hạn trung và dài hạn (hiện nay khoảng 94% dư nợ có thời gian từ 10 - 25 năm), trong khi đó nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường (khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn). Do đó, nếu các tổ chức tín dụng không cân đối được kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản. Ngoài ra, trong năm 2022, tỉ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực BĐS đang có chiều hướng nhích dần lên, đến nay là 1,81% (năm 2021 là 1,67%).

Tại hội nghị tín dụng BĐS mới đây, nhiều doanh nghiệp BĐS đã đưa những vướng mắc, kiến nghị với NHNN, trong đó tập trung ở đề xuất xin được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; Xem xét hệ số rủi ro, gia hạn thời gian thực hiện quy định về tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn; Xem xét tỉ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo; Có hướng dẫn chính sách về tín dụng đối với phát triển các khu đô thị; Tăng room tín dụng cho lĩnh vực BĐS; Tháo gỡ khó khăn về vốn để xây dựng nhà ở xã hội...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn