MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bất động sản công nghiệp kỳ vọng bùng nổ trong năm mới

Lam Duy LDO | 01/01/2023 12:30
Việc Trung Quốc tái mở cửa kinh tế tạo động lực mở rộng hoạt động sản xuất trong nước và kéo theo sự bùng nổ của lĩnh vực bất động sản công nghiệp trong năm 2023.

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2022 đạt con số 22,4 tỉ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, kết quả trên không phải là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ, song đây là tín hiệu tốt cho thấy các doanh nghiệp đang dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh sau đại dịch.

22,4 tỉ USD cũng là con số kỷ lục xét về vốn giải ngân, bởi năm 2019 là năm có vốn FDI giải ngân ở mức cao song cũng chỉ đạt 20,38 tỉ USD.

Tuy nhiên nếu xét về tổng số vốn FDI bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỉ USD, giảm 11% so với năm trước.

Các phân tích trước đó của Công ty Chứng khoán ngân hàng BIDV (BSC) chỉ ra rằng mức FDI thực hiện 2022 ở mức nền cao trong khi FDI đăng ký giảm mạnh sẽ gây áp lực lên tăng trưởng FDI thực hiện vào năm sau 2023 trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái, lạm phát tăng cao và Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế.

Công nhân làm việc trong KCN tại Bắc Ninh. Ảnh: Vân Trường

Dù vậy, BSC nhìn nhận với những lợi thế cạnh tranh về địa chính trị ổn định, bình ổn tỉ giá được ưu tiên cũng như lợi thế về nguồn nhân lực, nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng và hấp dẫn với các nhà sản xuất trên thế giới trong bối cảnh hoạt động FDI trên quy mô quốc tế vẫn chưa hồi phục.

Đáng chú ý theo đánh giá của BSC, những nút thắt về pháp lý dần được giải quyết sẽ giúp hệ thống khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam phát triển đồng bộ hơn (nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh), hiệu quả hơn (thẩm định khắt khe hơn về kinh nghiệm, năng lực tài chính, tiêu chuẩn kỹ thuật) và bền vững hơn (quy định về công trình phục vụ người lao động tại KCN, điều kiện để mở rộng KCN).

Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất được kỳ vọng sẽ mở rộng sản xuất, nâng cao công suất để tận dụng sức mua tăng lên khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế. Với lợi thế vị trí địa lý thuận lợi để giao thương với thị trường Trung Quốc, chính sách chính trị ổn định cũng như chuỗi giá trị đã được thiết lập trong hơn 2 năm qua, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng đối với các doanh nghiệp FDI khi nhắm đến thị trường Trung Quốc.

Khu công nghiệp Nhân Cơ (Đắk Nông). Ảnh: Bảo Lâm
Trong bối cảnh đó, BSC dự báo bất động sản KCN tại thị trường phía Nam sẽ tiếp tục được đẩy mạnh “mở khóa”, đặc biệt là Bình Dương và Đồng Nai khi tỉ lệ lấp đầy tại khu vực này đã trên 90% và không có thêm KCN nào được thông qua chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2020-2021.

BSC cũng nhìn nhận nguồn cung hạn chế và nhu cầu phục hồi vẫn là yếu tố giúp giá cho thuê KCN duy trì ở mức cao. Thị trường BĐS sẽ còn sôi động hơn nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh không còn bị gián đoạn do dịch bệnh, vấn đề pháp lý được giải quyết giúp các DN có thể triển khai để đáp ứng nhu cầu và triển vọng về cải thiện hạ tầng giao thông được đẩy nhanh trong trung hạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn