MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường M&A bất động sản ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Lục Giang

Bất động sản dần bước qua vùng đáy, thị trường M&A ghi nhiều dấu ấn

Lục Giang LDO | 03/07/2024 10:00

Nếu như năm 2023, thị trường M&A bất động sản chứng kiến sự “áp đảo” của khối ngoại thì trong năm 2024, sự trở lại mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước đang ghi nhiều dấu ấn.

Sự trở lại của doanh nghiệp trong nước

Thị trường bất động sản đang dần bước qua vùng đáy và trên đà hồi phục, công cuộc tái cấu trúc của các doanh nghiệp đã mở ra cơ hội lớn cho những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, thâu tóm các dự án giàu tiềm năng. Kéo theo đó là hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản sôi động trở lại, cho thấy một bức tranh thị trường năm 2024 nhiều điểm sáng.

Đầu năm nay, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) thông qua kế hoạch của công ty con là Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Saphire nhận chuyển nhượng 99% vốn điều lệ Công ty CP Phát triển Bất động sản Lộc Minh với giá trị 350 tỉ đồng. Qua đó gián tiếp sở hữu khu đất 1,9ha tại phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - mã: HPX) dự kiến chi hơn 434 tỉ đồng để thâu tóm 99,8% vốn điều lệ Công ty CP Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn. Từ đó tham gia vào dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc ở Hòa Bình, quy mô 35ha.

Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) cũng lên kế hoạch thực hiện nhiều thương vụ M&A, tích lũy quỹ đất triển khai các dự án khu đô thị tại nhiều tỉnh miền Bắc như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, mục tiêu mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh đa ngành.

Kế hoạch kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) cho thấy, M&A là một trong những chiến lược quan trọng của công ty trong năm nay. Trong đó, việc chuyển nhượng vốn thành phần tại dự án là hoạt động thường niên để doanh nghiệp mời đối tác vào và có dòng tiền nhanh hơn.

Khối ngoại vẫn nhiều ưu thế

Cùng với sự trở lại của khối doanh nghiệp trong nước, thị trường bất động sản cũng chứng kiến hàng loạt thương vụ nhà đầu tư nước ngoài bắt tay hợp tác cùng doanh nghiệp trong nước phát triển dự án thông qua hình thức M&A.

Điển hình Gamuda Land chi 315,8 triệu USD mua lại dự án quy mô 3,68ha của Công ty Cổ phần Bất động sản Tâm Lực tại TP Thủ Đức; Sky World Development Berhad chi 14,3 triệu USD mua 2.060m2 đất ở Quận 8, TPHCM từ Công ty Cổ phần Thuận Thành; Capitaland mua dự án Khu đô thị Tân Thành, Bình Dương quy mô 18,9ha của Becamex IDC, đồng thời mua một dự án gồm 4.000 căn hộ thuộc phía Tây Hà Nội.

Kim Oanh Group ký kết hợp tác với Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore); Hưng Thịnh hợp tác với Marubeni là tập đoàn đa ngành Nhật Bản để thực hiện dự án trung tâm hành chính mới tại TP Thủ Đức; First Real Land mua 22% cổ phần vốn điều lệ của Công ty Cổ phần TM-DV Bạch Đằng, chủ sở hữu lô đất 6.879m2 ở Đà Nẵng có giá 8,2 triệu USD.

Đánh giá về hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản, bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield chia sẻ, hiện nay các quy định mới nhằm gỡ vướng cho dự án bất động sản đã được ban hành sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường và liên kết hợp tác.

Vị chuyên gia này dự báo một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoàn tất, đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, bởi nhiều giao dịch đã, đang trong quá trình đàm phán khá tích cực. Các mục tiêu đầu tư tập trung ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật, quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và tiềm năng phát triển.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cũng dự báo hoạt động M&A năm 2024 tiếp tục “khởi sắc”, thậm chí kéo dài sang đến năm 2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn