MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần sớm hoàn thiện pháp lý cho loại hình bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh: Gia Miêu

Bất động sản nghỉ dưỡng cần sớm được tháo gỡ pháp lý

Gia Miêu LDO | 01/01/2023 12:54
Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng gặp khó khăn hơn các phân khúc khác do những tồn đọng về pháp lý.

Theo báo cáo của DKRA về bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng, đơn vị này ghi nhận sự sụt giảm mạnh về nguồn cung lẫn cầu trong tình hình khó khăn của thị trường cũng như những bất ổn kinh tế - địa chính trị, khiến các chủ đầu tư liên tục dời thời gian triển khai bán hàng. Đối với loại hình biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sụt giảm mạnh trong tháng 11.2022 so với tháng trước và ghi nhận mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Với 170 căn được mở bán tại 6 dự án, giảm tới 70% so với cùng kỳ 2021. Sức cầu thị trường giảm đáng kể, lượng giao dịch ghi nhận ở mức thấp - tương đương 56 căn, giảm 83% so với cùng kỳ năm 2021. Thanh khoản thị trường chững lại, các dự án mới đều có tình hình bán hàng chậm. Mức giá bán sơ cấp không biến động nhiều so với tháng trước, tuy nhiên đáng chú ý một số chủ đầu tư đưa ra chính sách chiết khấu lên đến 30% - 40% giá bán nhằm kích cầu thị trường giữa bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Việc Trung Quốc có động thái nới lỏng chính sách Zero Covid hứa hẹn sự hồi phục khách du dịch ở quốc gia này trong tương lai, nhưng chưa đủ giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chuyển mình tích cực. Riêng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng còn khó khăn hơn các phân khúc khác do những tồn đọng về pháp lý (quy định về việc cấp sổ cho loại hình condotel, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư, đơn vị vận hành, khách hàng…). Ngoài ra, những tồn đọng về hiệu quả trong khai thác, vận hành và quan trọng là niềm tin của khách hàng sau những sự cố về việc chi trả các khoản cam kết lợi nhuận, tiến độ bàn giao… cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Với sự phát triển nhanh của sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng, trong khi về mặt luật pháp chưa rõ ràng đã để lại không ít tranh chấp phát sinh giữa chủ đầu tư dự án với những người mua lại dự án.

Sức mua bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng giảm mạnh. Ảnh: Anh Dũng 

Báo cáo dự báo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt về phân khúc này cho rằng, trong ngắn hạn 2023-2024, các dự án tại khu vực vùng ven và du lịch - nghỉ dưỡng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động bán hàng trước  áp lực lãi suất tăng nhanh và các hạn chế cho vay từ phía các ngân hàng đối với phân khúc này. Ở góc độ pháp lý cho loại hình này, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng hiện có 3 luật liên quan đến phân khúc BĐS du lịch phải sửa đổi toàn diện trong thời gian tới, gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch đô thị. Mặt khác, cũng cần sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đấu giá, đấu thầu, Bộ luật Dân sự…

“Tính chính danh của BĐS du lịch được quy định trong các văn bản đã có nhưng cần phải hoàn thiện, để bảo đảm an toàn cho cán bộ công chức trong thực thi công vụ, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư và khách hàng. Theo đó, phải sửa đổi, hoàn thiện Luật Đất đai 2013, đồng thời xây dựng đồng bộ, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan” - ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn