MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bất động sản Phú Thọ hết "sốt", những người kinh doanh BĐS không chuyên, giới "cò" đất khó để tiếp tục tham gia vào thị trường. Ảnh: Tô Công.

Bất động sản Phú Thọ sau cơn sốt : Giao dịch èo uột, cò đất về nghề cũ

Tô Công LDO | 06/12/2022 06:48
Nhiều tháng qua, tại tỉnh Phú Thọ không còn tình trạng "sốt" đất, từ đó, đã có nhiều yếu tố khiến nghề môi giới bất động sản ở địa phương này được định hình rõ nét hơn, "cò" đất hết cửa thổi giá.

Bài học sau cơn "sốt" đất

Cuối năm 2021, đầu năm 2022, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xuất hiện tình trạng "sốt" đất, giá bất động sản (BĐS) tăng nhanh, số lượng giao dịch lớn, nhiều người đã bỏ nghề để đi "buôn" đất.

Thời điểm đó, nhất là sau dịp Tết Nguyên Đán 2022, tại một số địa phương như TP.Việt Trì, huyện Thanh Thủy, ven các khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị... mỗi ngày có hàng chục lượt người từ khắp nơi đổ về để "săn" đất, từ đất thổ cư, cho đến đất vườn, đất nông, lâm nghiệp…

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, khi giá đất đu đỉnh, cơn "sốt" đất bắt đầu qua đi, thị trường BĐS đã chững lại. Lúc này, các nhà đầu tư lướt sóng, giới "cò" đất trót đầu tư vào BĐS bắt đầu cảm nhật rõ nét về sự thay đổi của thị trường, sự khó khăn trong việc thanh khoản.

Xung quanh các khu đất không còn cảnh nhộn nhịp như đợt “sốt” hồi đầu năm 2022. Ảnh: Tô Công.

Anh Nguyễn Quang Huy (TT. Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê) - người từng đầu tư BĐS vào thời điểm cơn "sốt" đất bắt đầu hạ nhiệt vào tháng 4.2022 chia sẻ, mặc dù nghề chính là xây dựng, không quá nắm rõ thị trường, nhưng anh Huy đã vay ngân hàng để đầu tư với hi vọng đất sẽ tăng giá, sau đó không thể bán được nên gặp nhiều khó khăn.

"Lúc đó, tôi mua 1 mảnh với giá 800 triệu đồng ở TT.Cẩm Khê, giờ bán giá thấp hơn vẫn chưa ai mua, nếu có thể bán được 700 triệu tôi cũng sẽ bán, vì tôi đã phải chịu lãi ngân hàng 10 tháng nay, mà lãi thì càng ngày càng cao anh biết rồi" - anh Huy bộc bạch.

Còn theo anh Quyết Đức Năm - người dân sống tại xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, khoảng 6 nửa năm nay, không còn thấy bóng dáng "cò" đất khắp nơi như ngày trước, những người có nhu cầu mua bán đất ở đây chủ yếu tự liên hệ với nhau hoặc qua công ty môi giới BĐS quen biết ngay tại địa phương.

 Bất động sản tại huyện du lịch Thanh Thủy từng rất "sốt" hồi đầu năm, nay cũng đã chững lại. Ảnh: Tô Công.

"Dường như người dân đã tỉnh táo hơn sau cơn sốt đất vừa rồi, họ không còn dễ tin tưởng người khác trong việc mua bán đất như trước nữa. Cùng với đó, những người từng đi làm "cò" đất mà tôi biết hiện tại đều đã trở lại công việc cũ" - anh Năm chia sẻ.

Định hình lại nghề môi giới bất động sản

Theo anh Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ STLand (Khu đô thị Minh Phương, TP.Việt Trì), thời điểm hiện tại, kinh doanh BĐS gặp những khó khăn nhất định, lượng giao dịch so với thời điểm "sốt" đất đầu năm chỉ còn khoảng 20 đến 30%, các giao dịch chủ yếu nhỏ lẻ dưới 1 tỉ đồng, những người mua đất đa phần là vì nhu cầu ở thực.

Theo anh Sơn, có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên, trong đó tiêu biểu là việc các ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay BĐS, tình trạng khó khăn chung của các ngành nghề khác khiến dòng tiền để đầu tư BĐS cạn kiệt.

 Các công ty kinh doanh, môi giới BĐS dù đang gặp khó khăn nhưng vẫn có những cơ hội trong tương lai nếu biết nắm bắt. Ảnh: Tô Công.

Tuy nhiên, anh Sơn cho biết, "trong cái rủi lại có cái may", qua giai đoạn này, những người kinh doanh BĐS không chuyên, những "cò" đất theo kiểu thổi giá, lướt sóng sẽ không thể tiếp tục chen chân vào thị trường, đồng nghĩa với việc giới kinh doanh BĐS được thanh lọc, tính minh bạch trong mua bán BĐS sẽ ngày càng cao. 

Anh Sơn nhận định: "Đó sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh, môi giới BĐS có tâm, có uy tín, có sự chuyên nghiệp và chuyên sâu bứt phá trong tương lai khi thị trường có dấu hiệu tích cực trở lại".

Cũng theo anh Sơn, dự báo sẽ có 2 khoảng thời gian thị trường BĐS có thể nhộn nhịp trở lại, là thời điểm trước Tết Nguyên Đán 2023 khoảng 20 ngày, khi dòng tiền của các nhà đầu tư, hộ kinh doanh dồi dào trở lại. Cùng với đó, là thời điểm cuối Quý I, đầu Quý II năm 2023, khi các ngân hàng có thể sẽ nới lỏng hơn về tín dụng cho vay.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Quách Văn Chiến - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Việt Trì chia sẻ: "Theo quan sát, giá đất trên địa bàn thành phố có một vài nơi giảm nhẹ, còn số lượng hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở thời điểm hiện tại đã giảm ước chừng khoảng 40 đến 50% so với đợt "sốt" đất đầu năm".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn