MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản ảm đạm, nhiều dự án trên đất vàng tại TP Vinh (Nghệ An) chậm tiến độ. Ảnh: Hải Đăng

Bất động sản tại Nghệ An vẫn chưa hết "ngủ đông"

QUANG ĐẠI LDO | 30/06/2023 11:43

Đến nay, sau thời điểm sốt đất hơn nửa năm, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương ở Nghệ An vẫn đang trong giai đoạn “ngủ đông”, chưa biết khi nào mới khôi phục.

Ngày 30.6, trao đổi với phóng viên, đại diện một công ty bất động sản ở Hà Nội chi nhánh tại Nghệ An cho biết: “Thị trường chuyển nhượng, giao dịch bất động sản hiện nay hầu như đang trong tình trạng đóng băng. Rất ích các giao dịch có giá trị lên tới trên 10 tỉ đồng. Dự án của chúng tôi bán các khu nhà liền kề mức 3-4 tỉ đồng/căn nhưng giao dịch vẫn rất thưa thớt”.

Một người dân tại phường Hưng Bình (TP Vinh) rao bán mảnh đất đấu giá khoảng 200m2, vị trí rất đẹp 2 mặt tiền với giá mong muốn khoảng 4,5 tỉ đồng, tuy nhiên không có ai mặn mà vì họ cho rằng giá quá cao.

“Ở các đô thị lớn, nhà chung cư khoảng trăm m2 đã có giá lên tới vài tỉ. Ở TP Vinh, đất nền 2 mặt tiền giá chỉ khoảng 25 triệu/m2 mà vẫn khó bán, điều này cho thấy sức thanh khoản của thị trường bất động sản đang rất thấp” – chuyên gia bất động sản Nguyễn Quang Minh (TP Vinh) cho biết.

Nhiều người rao bán đất tại TP Vinh. Ảnh: Quang Đại

Theo chuyên gia này, trước đây thị trường bất động sản rất sôi động, giá đất được thổi lên rất cao, mua đi bán lại liên tục, dễ dàng do tâm lý đua nhau, mua đi bán lại để kiếm lời nhanh chứ không phải để sử dụng. Đến khi giá đất bị đẩy lên quá cao, thị trường nguội dần dẫn đến đóng băng, người ôm đất như ngồi trên đống lửa mà đất thì không thể bán được.

Nhiều doanh nghiệp đã có dự án bất động sản đã được phê duyệt nhưng chậm thi công, vì thiếu vốn và lo ngại không bán được hàng. “Vốn đổ vào dự án bất động sản rất lớn, thông qua kênh ngân hàng hoặc huy động từ khách hàng. Thời điểm hiện nay cả hai kênh này đều khó tiếp cận nên doanh nghiệp rất khó khăn” – một doanh nghiệp bất động sản tại TP. Vinh cho hay.

Trước tình hình khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản đã phải cắt giảm nhân sự, thay đổi địa điểm kinh doanh sang vị trí ít thuận lợi hơn để tiết kiệm chi phí, duy trì các dự án đã thực hiện chứ không triển khai thêm dự án mới.

Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Hải (TP HCM) phân tích: “Giá đất bị đẩy lên quá cao sẽ thu hút một lượng vốn khổng lồ, đến khi thị trường bất động sản khó khăn sẽ “đóng băng” một lượng rất lớn vốn, dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Giá bất động sản quá cao cũng làm lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, sức cạnh tranh giảm sút”.

Vị chuyên gia này khuyến cáo cần có các giải pháp để lành mạnh, bình ổn hóa thị trường bất động sản, để dòng vốn xã hội chảy vào kênh đầu tư sản xuất kinh doanh thay vì dồn vào bất động sản như hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn