MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bất ngờ với 7 vị trí cực bẩn trong bếp ít ai để ý

Đức Mạnh LDO | 16/11/2020 06:08

Dù vệ sinh thường xuyên, nhiều vị trí trong căn bếp vẫn chứa lượng vi khuẩn lớn mà gia chủ không ngờ tới. Dưới đây là một số vị trí cần làm sạch thường xuyên trong căn bếp của bạn.

1. Tay nắm cửa, nút ấn, tay cầm, bảng điều khiển

Đây là nơi chứa nhiều bụi bẩn và vi khuẩn như Salmonella, Listeria, E. coli, nấm mốc, nấm men. Lý do là bởi tay bạn cả khi sạch hay khi bẩn do chế biến thực phẩm đều chạm vào.

Bạn nên thường xuyên làm sạch những khu vực này bằng cồn hoặc chất tẩy chuyên dụng để bảo vệ sức khỏe của mình cũng như gia đình. Đồ họa: Đức Mạnh

2. Bồn rửa

Theo Tổ chức Vệ sinh Quốc gia Quốc tế (NSF) của Mỹ, 45% số bồn rửa trong nhà được thử nghiệm đều chứa vi khuẩn E. coli hoặc các vi khuẩn dạng coli. Đồ họa: Đức Mạnh

Bồn rửa là nơi tiếp nhận rất nhiều bát đĩa, đồ dùng bếp chưa được vệ sinh nên nếu không làm sạch kỹ sẽ tồn đọng rất nhiều vi khuẩn. Bạn cần đặc biệt lưu ý những vị trí như phần nối giữa bồn rửa và bếp, quanh miệng cống và rổ chặn rác.

Để làm sạch, tốt nhất sau khi dùng, bạn nên sử dụng nước tẩy rửa chuyên dụng để lau dọn, lưu ý đổ rác tại rổ chặn rác và vệ sinh nó thường xuyên.

3. Tủ lạnh

Vi khuẩn tồn đọng trên thực phẩm sẽ sinh sôi nhanh chóng do nhiệt độ tủ lạnh vô cùng lý tưởng. Đồ họa: Đức Mạnh

Để giữ thực phẩm tươi lâu hơn thì chúng ta không nên rửa chúng rồi cho vào tủ lạnh cất trữ. Chính điều này đã vô tình làm tồn đọng rất nhiều vi khuẩn tại đây. Đó có thể là nước từ thực phẩm chảy ra hay đất cát, bụi bẩn.

Do đó bạn nên vệ sinh tủ lạnh hàng tháng. Tháo các khay ra, rửa sạch bằng chất tẩy chuyên dụng và nước ấm. Lau sạch sẽ toàn bộ tủ, đồng thời lau bên ngoài tủ và máy móc.

4. Thớt

Bạn nên sử dụng hai chiếc thớt chuyên biệt, một dành cho thực phẩm sống, chiếc còn lại cho thực phẩm chín để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn. Đặc biệt với thớt gỗ sẽ để lại rãnh nhỏ hoặc nứt sâu sau khi sử dụng.

Bạn nên rửa sạch thớt kỹ càng với nước nóng, xà phòng sau đó lau khô. Tránh để thớt ẩm ướt sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Đồ họa: Đức Mạnh

5. Khăn lau, miếng bọt biển

Đây chính là sản phẩm đi vệ sinh đồ đạc nhưng lại ít được để tâm đến. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi NSF, có ít nhất 75% những vật dụng này chứa vi khuẩn dạng coli (có thể là Salmonella hoặc E.coli).

Cách vệ sinh đơn giản là rửa lại chúng với nước nóng sau khi sử dụng. Những loại cọ có thể đưa vào máy rửa bát để làm sạch. Đồ họa: Đức Mạnh

6. Túi đi chợ

Túi đi chợ là nơi tiềm ẩn vi khuẩn lây chéo nếu không được vệ sinh đúng cách. Bạn nên sắm túi riêng biệt để đựng thịt và rau, đồng thời giặt thường xuyên để đảm bảo vệ sinh và an toàn sức khỏe. Đồ họa: Đức Mạnh

7. Mặt bàn bếp

Mặt bàn bếp là nơi đặt vô vàn những đồ vật lên trên như thực phẩm sống, chín; túi đi chợ; đồ dùng bếp chưa được vệ sinh...Đồ họa: Đức Mạnh

Hãy chịu khó vệ sinh thường xuyên bằng việc lau dọn bằng sản phẩm tẩy rửa chuyên dụng. Đồng thời cọ rửa những ngóc ngách vì bạn không thể biết được có gì trong đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn