MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bình Dương: Bất động sản qua cơn sốt, nhiều nơi rao bán không có người mua

ĐÌNH TRỌNG LDO | 13/06/2022 14:44

Bình Dương - Giá đất nhiều nơi ở Bình Dương đang ''chững lại". Nhiều bất động sản rơi vào trạng thái "ế ẩm", rao một  thời gian dài vẫn chưa có người mua.

Bất động sản qua cơn sốt

Thị trường bất động sản ở Bình Dương thời gian gần đây đã trầm lắng hẳn. Không còn cảnh người dân chen chúc nhau ở các văn phòng công chứng và bộ phận một cửa làm thủ tục sang nhượng đất đai.

Ghi nhận thực tế ở các địa phương phía Nam tỉnh Bình Dương, giá thị trường không còn tăng đột biến như trước kia. Giá đất chững lại và có xu hướng giảm dần.

Tại thị xã Bến Cát, từ đầu năm 2022 đến nay những khu dân cư hạ tầng được đầu tư đầy đủ (đường nhựa, điện và nước) giá dao động trung bình từ 8-12 triệu đồng/m2. Các thửa đất gần khu công nghiệp có diện tích từ 100-150m2 hiện có giá trung bình từ 1,2-1,8 tỉ đồng.

Nhiều nơi đất rao bán thời gian dài vẫn chưa có người mua.

Sau 6 tháng giá đất không tăng, ở nhiều vị trí giá đã giảm so với thời điểm tháng 6.2021. Theo đánh giá, hiện nay mức giá đất ở Bến Cát, Bình Dương không cao hơn so với những nơi có hạ tầng tương đương ở Bình Phước. Tuy nhiên, vẫn không thu hút được người mua. Nguyên nhân chủ yếu, do giá đất đã lên vượt quá khả năng chi trả của số đông người lao động. Đối với nhà đầu tư, khi hạ tầng đầy đủ thì mua đất ở đây sẽ không có lời cao, nên họ cũng không mặn mà.

Trong khi đó, ở các huyện xa hơn của Bình Dương là Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo giá đất ở trung bình dao động từ 5-10 triệu đồng/m2. Người dân các tỉnh cũng không còn về săn tìm mua đất như trước.

Chủ đất hạ giá, mong thu hồi vốn

Tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, hiện nay nguồn đất nền đã trở nên khan hiếm. Chủ yếu người dân rao bán nhà đất. Nhiều người do nợ ngân hàng, trả lãi quá cao muốn bán bất động sản để thu hồi vốn.

Anh Trần Văn Phước (30 tuổi, ngụ Bình Dương) rao bán căn nhà ở phường Tương Bình Hiệp từ tháng 11.2021 đến nay vẫn chưa bán được.

"Tôi mua căn nhà một trệt một lầu 100m2 trên nền đất có diện tích là 144m2 từ 2019 với giá 1,7 tỉ đồng. Sau đó hoàn thiện và mua sắm nội thất hết tất cả gần 2 tỉ đồng. Cuối năm 2021, do trả lãi ngân hàng cao, tôi muốn "thoát ra" nhưng rao bán đến nay vẫn chưa có người mua. Ban đầu, tôi rao giá 2,9 tỉ đồng, thời điểm đó cũng có người trả giá 2,7 tỉ đồng nhưng tôi chần chừ để qua Tết thì mất khách. Về sau, tôi phải giảm xuống 2,7 đồng tỉ rồi bây giờ giảm xuống 2,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm vẫn chưa bán được'' - anh Phước chia sẻ.

Nhiều nơi có hạ tầng tốt, nhưng giá đất lên cao người lao động không mua được, giới đầu tư thì không mặn mà.

Tương tự, bà Trịnh Thị Nhiệm (40 tuổi, ngụ Bình Dương) rao bán căn nhà ở phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một hơn 1 năm nay nhưng chưa tìm được người mua. "Tôi rao bán căn nhà 85m2 ở khu Hiệp Thành 2 phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một từ tháng 5.2021 đến nay vẫn chưa bán được. Thời điểm đầu, tôi rao 3,9 tỉ đồng, nhưng giờ chỉ mong bán được 3,4 tỉ đồng. Dù đã hạ giá nhưng lúc này không có người trả mua''. 

Trong khi đó, ở thị xã Bến Cát -  địa phương còn nhiều đất nền chưa xây dựng - nhiều người cũng phải hạ giá đất để mong sớm thu hồi vốn. Chị Nguyễn Thị Thêm (45 tuổi) chia sẻ: "Trước đây, tôi rao lô đất 150m2 (khu phố 1 phường Thới Hòa) giá 2 tỉ đồng, nhưng nay chỉ mong bán được 1,9 tỉ đồng. Dù nhờ nhiều người rao bán nhưng không có ai hỏi mua".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn