MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người mua nhà nên tham khảo nhiều người, nhiều ý kiến để đưa ra quyết định đúng đắn. Ảnh: Cao Nguyên.

Bộ ba cạm bẫy với người mua nhà dịp cuối năm

ANH HUY LDO | 20/12/2023 18:30

Những rủi ro mua nhà không chỉ thời điểm cuối năm mà là vấn đề muôn thuở của khách hàng mua bất động sản. Trước tiên là pháp lý, việc thứ hai là định giá, thứ ba là sự tư vấn của người môi giới là những cạm bẫy dễ khiến người mua nhà mắc phải.

Thị trường bất động sản cuối năm thường sôi động và luôn mang đến những món hời cho người có ý định mua nhà đất vào thời điểm này. Đây chính là thời điểm mà nhu cầu mua nhà, bán đất tăng cao rõ rệt nhất trong năm.

Sau một năm ròng rã, Tết đã cận kề, chắc hẳn nhiều người muốn tìm kiếm nơi "an cư lạc nghiệp", xây dựng tổ ấm với mong muốn nhận may mắn, tài lộc.

Không những thế, đầu tư cố định vào tài sản có khả năng tăng giá cao như bất động sản sẽ là lựa chọn hàng đầu của khách hàng.

Thuận lợi hơn, trong khoảng thời gian này, giá nhà đất có thể xem là giá tốt nhất năm. Nếu các dịp cuối năm, các mặt hàng khác cần đẩy đi để tránh tình trạng tồn đọng hàng hóa, thì bất động sản cũng không ngoại lệ.

Mua nhà cuối năm là thời điểm vàng không chỉ nhận được giá tốt mà còn đi kèm nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, ngân hàng hỗ trợ gói vay trả góp hấp dẫn,... Hàng loạt các chính sách kích cầu với lý do sức nóng thị trường Tết đã cận kề

Để tránh tình trạng sập bẫy rủi ro pháp lý, giá “hớ" hay môi giới thiếu chuyên nghiệp, khách hàng cần phải nghiên cứu kỹ trước khi xuống tiền.

Ông Đỗ Ngọc Thắng - Giám đốc Kinh doanh Vùng tại OneHousing cho biết, những rủi ro mua nhà không chỉ thời điểm cuối năm mà là vấn đề muôn thuở của khách hàng mua bất động sản.

Trước tiên là pháp lý, việc thứ hai là định giá, thứ ba là sự tư vấn của người môi giới, bộ ba cạm bẫy này dễ khiến người mua gặp phải bất lợi.

Theo ông Thắng, về pháp lý, khách hàng có thể gặp các rủi ro giao dịch các căn nhà mà chưa sổ, không sổ, mua bán giấy tờ viết tay hoặc vi bằng, chung sổ, sổ đang ở chỗ tín dụng đen, hoặc chủ nhà đang đặt cọc cho 2-3 người…

Rủi ro thường thấy nhất là chủ nhà cầm sổ đỏ đi vay ở đơn vị tài chính - đều phải biết giấy bán hoặc viết hợp đồng đặt cọc.

Nếu môi giới không kiểm tra kỹ cho khách thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro cho khách mua và đem lại những hệ lụy khôn lường bởi hầu hết các giá trị của bất động sản nào cũng là rất nhiều tỉ đồng.

Thứ hai là về giá thành. Theo vị này, cuối năm sẽ xuất hiện rất nhiều thông tin rao bán: “Vỡ nợ cần bán nhà, bán gấp, giá sốc cuối năm…” rất có thể, đó là những thông tin đánh vào lòng tham để trục lợi.

Nếu những môi giới tư vấn cho bạn giá rẻ hẳn hơn so với thị trường thì chắc chắn tôi khuyên bạn nên đặt dấu chấm hỏi, hãy cảnh giác với những thứ bất ngờ rẻ. Cái gì cũng có giá của nó.

Với môi giới, câu chuyện “thả câu" ban đầu về những bất động sản giá hời, giảm sốc… nhưng thực chất không có thật mà đó là chiêu trò để thu hút sự quan tâm của người mua rồi dẫn dắt sang những bất động sản khác - không còn là câu chuyện mới.

Hay việc môi giới lợi dụng tâm lý chốt nhanh của người mua để làm giá, “ăn" thêm phần chênh lệch cũng không phải chuyện hiếm.

Mua nhà đất là một trong những quyết định quan trọng của đời người. Do đó, đừng vì bất cứ lý do nào mà ngần ngại không đi tham khảo ý kiến từ nhiều người, nhiều kênh khác nhau.

Đó có thể là những chuyên gia, người thân, bạn bè hay thậm chí là những người hàng xóm quanh khu vực ngôi nhà mình có ý định mua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn