MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bỏ khung giá đất "là cuộc cách mạng" thay đổi tư duy sang cơ chế thị trường

Phan Anh LDO | 30/08/2022 18:42

Thông tin bỏ khung giá đất được nhiều người kỳ vọng sẽ đưa bảng giá đất sát với thị trường. Giới chuyên gia đánh giá đây là cuộc cách mạng, thay đổi về tư duy quản lý từ biện pháp hành chính sang cơ chế thị trường.

Thị trường đất đai của Việt Nam hiện nay đang tồn tại cơ chế 2 giá đất. Một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá. Ảnh minh họa: Phan Anh

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó, Ban soạn thảo đã bỏ quy định về khung giá đất, thay vào đó Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá và quyết định giá đất cụ thể. 

Nhiều chuyên gia đưa ra ý kiến, đóng góp về vấn đề này. GS-TS Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần lập bảng giá đất phù hợp với giá trị thị trường của đất đai và cần được cập nhật hằng năm. Phải có quy định về việc đăng ký và cập nhật giá đất hằng năm, quy định quyền ưu tiên mua của Nhà nước đối với đất chuyển nhượng giá thấp. Đây là cuộc cách mạng, thay đổi về tư duy quản lý từ biện pháp hành chính sang cơ chế thị trường. Cần có quyết tâm chính trị cao để có thể xóa bỏ cơ chế xin - cho, các yếu tố tính cá nhân, bởi đây là những rào cản, động chạm đến lợi ích cá nhân của nhiều đối tượng.

GS-TS Hoàng Văn Cường khuyến nghị cần phân định giá cả thị trường và giá trị thị trường của đất đai, cập nhật giá đất hàng năm, quy định quyền ưu tiên mua của Nhà nước đối với đất chuyển nhượng giá thấp, bổ sung thu hồi đất do vi phạm về Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có ý kiến về việc định giá đất, thẩm quyền định giá đất, việc chống đầu cơ và điều tiết giá trị gia tăng từ đất, thu hồi và bồi thường tái định cư cùng các khuyến nghị khác về xây dựng cơ sở dữ liệu số đưa thông tin giá và thuế đất, cập nhật cho từng thửa đất, bổ sung quy định về tái điều chỉnh đất đai với sự đồng thuận của người sử dụng đất, cho thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với doanh nghiệp…

GS-TS Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Chia sẻ với Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, khung giá đất hiện tại không có tác dụng đối với hoạt động quản lý, định giá đất ở địa phương.

Vị này lấy ví dụ như tại Hà Nội, TPHCM, có những vị trí đất đắt có thể lên tới 1 tỉ đồng/m2, nhưng trên khung giá đất quy định chỉ khoảng 250 triệu đồng/m2.

“Với khung giá đất thấp như vậy sẽ nảy sinh việc người dân bị thiệt thòi. Việc để xảy ra tình trạng chênh lệch giữa giá đất theo khung quy định của Nhà nước và giá đất thị trường là việc tối kỵ trong hoạt động quản lý giá đất.

Vì vậy, việc quản lý bằng khung giá đất không còn phù hợp, thay vào đó nên tập trung vào hoạt động quản lý trực tiếp việc định giá đất tại địa phương”, ông Thịnh nói.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội đề xuất việc xác định giá đất cụ thể cần phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp.

Theo ông Tuyến, căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình cơ quan quản lý giá đất cùng cấp quyết định. Hội đồng thẩm định giá đất gồm người đứng đầu cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn