MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều cư dân chung cư Artemis (Hà Nội) bức xúc khi tòa nhà chưa thành lập được ban quản trị, tranh chấp mức phí gửi xe... Ảnh: Thu Giang

Bỏ tiền tỉ mua chung cư Hà Nội, nhiều người dân kiệt sức đòi quyền lợi

Thu Giang LDO | 06/12/2023 06:30

Dù bỏ tiền tỉ để mua nhà, thế nhưng, nhiều cư dân sinh sống tại các chung cư TP Hà Nội thời gian qua luôn phải sống trong cảnh bức xúc, xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư khi chưa thành lập ban quản trị, bàn giao quỹ bảo trì...

Tranh chấp kéo dài

Tìm hiểu của PV Lao Động, tháng 11.2023, nhiều cư dân sinh sống tại chung cư Eco Lake View (số 32 Đại Từ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải căng băng rôn, đỗ ôtô chặn cửa hầm phản đối vì chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì.

Giải thích về nguyên nhân này, Trưởng Ban Quản trị chung cư Eco Lake View, cho biết: Kể từ khi ban quản trị có quyết định thành lập đến nay, dù đã nhiều lần đề nghị và gửi công văn yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Ecoland bàn giao kinh phí bảo trì đã thu của khách hàng mua căn hộ, nhưng đến nay, chủ đầu tư không thực hiện.

Tranh chấp kéo dài khi nhiều tòa chung cư tại Hà Nội chưa thành lập được ban quản trị, bàn giao quỹ bảo trì. Ảnh: Thu Giang

Cũng trong tháng 11.2023, có không ít cư dân sinh sống tại chung cư Artemis (số 3 đường Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã phải treo băng rôn, phản đối chủ đầu tư là Công ty Cổ phần ACC Thăng Long (nay đổi tên là Công ty Cổ phần đầu tư MHL) vì tăng giá gửi xe cao vượt trần.

Cụ thể, dù đã đi vào hoạt động 6 năm nhưng đến nay, tòa chung cư vẫn chưa thành lập được ban quản trị, dẫn đến hàng loạt bất cập, bức xúc như chủ đầu tư tự ý tăng phí gửi xe ôtô, xe máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà chung cư không đảm bảo…

Loạt bất cập dẫn đến tranh chấp ở chung cư

Tìm hiểu của PV Lao Động, trước đó, tháng 8.2023, Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội đã khảo sát công tác quản lý nhà chung cư.

Cụ thể, trên địa bàn quận Thanh Xuân có khoảng 108 tòa nhà chung cư đã đưa vào sử dụng nhưng mới có 90 tòa thành lập ban quản trị, 83/90 tòa chung cư được bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng, 54/90 tòa nhà được chủ đầu tư bàn giao hết quỹ bảo trì.

Đáng chú ý, nhiều tòa chung cư tại quận Thanh Xuân đến nay vẫn còn tồn tại vướng mắc, tranh chấp khi chưa thành lập được ban quản trị và bàn giao quỹ bảo trì 2%...

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà, cụm tòa nhà chung cư, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, trong số 845 tòa nhà, cụm tòa nhà chung cư thương mại đã có đến 129 chung cư xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 935 chung cư cao tầng nhưng có tới 105 chung cư đang có tranh chấp ở mức độ khác nhau.

Dù bỏ tiền tỉ để mua nhà nhưng nhiều cư dân sinh sống tại các chung cư TP Hà Nội thời gian qua luôn phải sống trong cảnh bức xúc, xảy ra tranh chấp kéo dài. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phân tích, các tranh chấp này chủ yếu đều xoay quanh mối quan hệ 4 bên như cư dân, chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành.

Trong đó, mối quan hệ điển hình, được dư luận và pháp luật quan tâm nhiều nhất là giữa cư dân và chủ đầu tư.

Luật sư Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - nhận định, cần phải có chế tài xử lý nghiêm các chủ đầu tư dự án nhà chung cư vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà chung cư, xử lý việc chậm bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị, giải quyết xung đột giữa các chủ thể liên quan trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, đảm bảo quyền lợi các bên.

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của vấn đề, luật sư Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, trước khi đưa cư dân vào sinh sống, chủ đầu tư chung cư cần phải minh bạch mọi thông tin liên quan đến khả năng phát sinh xung đột như tình hình tài chính, bàn giao kinh phí, báo cáo thu chi, sử dụng số dư, thực hiện đúng thỏa thuận sở hữu và sử dụng diện tích riêng chung…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn