MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các sai phạm trên tuyến đường Lê Văn Lương vẫn đang khắc phục. Ảnh: Vương Trần.

Bộ Xây dựng nêu lý do Hà Nội chậm xử lý sai phạm trên đường Lê Văn Lương

CAO NGUYÊN LDO | 27/04/2023 16:29

Nói về việc Hà Nội chậm trễ thực hiện kết luận thanh tra về vi phạm quy hoạch đường Lê Văn Lương (TP Hà Nội), ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng - cho biết nguyên nhân do thực tế có nhiều khó khăn.

Liên quan đến việc thực hiện Kết luận Thanh tra số 39 của Bộ Xây dựng về những sai phạm quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng quanh trục đường Lê Văn Lương (TP Hà Nội), Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, về cơ bản, Bộ Xây dựng đánh giá cao sự phối hợp của TP Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thành phố.

“Đến nay, kết luận đang được các đơn vị thực hiện tích cực, đặc biệt là các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Cầu Giấy" - ông Tuấn nói.

Trong đó, đối với UBND quận Thanh Xuân, ngày 19.10.2022, UBND quận này có văn bản báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra. Theo các báo cáo, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành các văn bản chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra; ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện kết luận thanh tra.

Đáng chú ý, UBND quận này đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến các nội dung được kiến nghị tại kết luận thanh tra. Cụ thể gồm: UBND quận, Phòng Quản lý đô thị quận, UBND phường Nhân Chính, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, Phòng Giáo dục và đào tạo quận và 13 cá nhân.

Đối với UBND quận Nam Từ Liêm, ngày 19.12.2022, UBND quận Nam Từ Liêm đã có văn bản báo cáo kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 39. Theo các báo cáo, UBND quận này đã tổ chức kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân thuộc Phòng Quản lý đô thị quận, UBND phường Trung Văn, UBND phường Đại Mỗ và Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận.

Về việc quá thời hạn thực hiện theo Kết luận Thanh tra, trao đổi với Lao Động, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, thực tế có nhiều nguyên nhân khó khăn. Tuy nhiên, khi được hỏi khó khăn cụ thể như thế nào thì vị lãnh đạo này không trả lời.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng. Ảnh: Cao Nguyên.

Trước đó, trong Kết luận Thanh tra số 39, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra loạt sai phạm trong cấp phép xây dựng, xây dựng sai phép, nâng tầng, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, “ăn bớt” đất cây xanh dọc hai bên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, đường Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Theo Kết luận Thanh tra số 39 của Bộ Xây dựng, hàng loạt các dự án được điều chỉnh nâng tầng sai quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương. Thậm chí có những dự án bị điều chỉnh nhiều lần theo hướng thay đổi chức năng sử dụng đất, “nhồi” thêm tầng cao.

Cụ thể, dự án Manhattan Tower sau 4 lần điều chỉnh sai quy định, đã tăng số tầng trung bình từ 5 lên 30 tầng, làm tăng quy mô dân số từ 500 người lên khoảng 1.308 người.

Dự án Times Tower của Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội điều chỉnh tăng tầng cao từ trung bình 7 tầng cùng 1 tầng kỹ thuật, 1 tum thành 25 tầng, mật độ xây dựng từ 56,7% thành 59,5%, tăng thêm dân số 680 người.

Dự án án Hà Nội Center Point do Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội làm chủ đầu tư điều chỉnh “đất công cộng thành phố” thành đất xây nhà ở cho thuê và đã xây thành nhà ở và tiếp tục bị “biến” thành hỗn hợp (văn phòng, dịch vụ và nhà cho thuê).

Mật độ xây dựng dự án này tăng từ 26% thành 52%, tầng cao từ 15 tầng thành 32 tầng, làm tăng thêm dân số khoảng 1.060 người.

Tại dự án The Golden Palm do Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Hà Nội - Sunrise (HDIS) là chủ đầu tư điều chỉnh sai quy định từ đất ở thành dịch vụ, thương mại thành nhà ở, mật độ xây dựng từ 51,7% với tầng cao điểu chỉnh liên tiếp từ 9 lên 23 rồi lên 25 và sau đó lên 27 tầng làm tăng thêm dân số khoảng 914 người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn