MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhà ở xã hội bị chậm phát triển. Ảnh Hải Nguyễn.

Bộ Xây dựng nêu nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của nhà ở xã hội

CAO NGUYÊN LDO | 09/09/2022 16:21

Thiếu quỹ đất sạch, thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án… vẫn còn kéo dài là những nguyên nhân được Bộ Xây dựng chỉ ra khiến kết quả phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) còn chậm.

Ngày 9.9, thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, Bộ vừa trình Thủ tướng phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết số liệu tổng hợp về nhà ở từ hơn 40 địa phương, nhu cầu NƠXH cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 2,6 triệu căn hộ và mục tiêu hoàn thành cho giai đoạn này là khoảng 1,8 triệu căn.

Theo Bộ Xây dựng, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về NƠXH dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu các địa phương đặt ra là hoàn thành khoảng 700.000 căn (đáp ứng khoảng 54% nhu cầu).

Sang giai đoạn 2025-2030, nhu cầu về NƠXH dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu các địa phương đặt ra là hoàn thành khoảng 1,1 triệu căn (đáp ứng khoảng 85% nhu cầu).    

Các trung tâm công nghiệp của cả nước hiện nay cũng đặt mục tiêu xây dựng thêm hàng trăm ngàn căn hộ mới cho công nhân, người thu nhập thấp. Trong đó, Long An xây khoảng 310.000 căn hộ, Bắc Giang xây khoảng 285.143 căn hộ, Bắc Ninh xây 96.247 căn hộ, Bình Dương xây 84.000 căn hộ, Bình Phước xây 58.990 căn hộ, Hưng Yên 56.700 căn hộ.

Liên quan đến kết quả phát triển NƠXH còn rất hạn chế, Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân. Trong đó đầu tiên có thể kể đến là thiếu quỹ đất sạch. Cụ thể, tổng diện tích đất ở đã bố trí để phát triển nhà ở xã hội của cả nước là 3.359,07ha, chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020.

Ngoài ra, nhiều địa phương chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha để đầu tư xây dựng NƠXH trên địa bàn theo quy định.

Đáng nói, mặc dù NƠXH luôn được quan tâm nhưng thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án… vẫn còn kéo dài.

Bên cạnh đó, dự án NƠXH được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; các đối tượng NƠXH phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện.

"Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với NƠXH đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp", Bộ Xây dựng nêu rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn