MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang chờ được giải ngân vốn để kịp về đích trong năm 2023. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Cả 2 dự án trọng điểm quốc gia tại Tuyên Quang đang gặp khó

Nguyễn Tùng LDO | 05/10/2023 07:46

Trong khi nguồn vốn trung ương cho cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ (giai đoạn 2) chưa được giao thì dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) chưa thể khởi công vì vướng mắc ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.

UBND tỉnh Tuyên Quang vừa có báo cáo tháng 9.2023 gửi Bộ Giao thông Vận tải về tình hình thực hiện 2 dự án trọng điểm quốc gia là cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1). Hiện cả 2 dự án này đều đang gặp những khó khăn, vướng mắc.

Đối với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2km tổng mức đầu tư 3.753 tỉ đồng, đoạn đi qua tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành xong GPMB. Tuy nhiên, đoạn đi qua Phú Thọ vẫn còn 1 hộ đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa tháo dỡ, 1 hộ chưa nhận tiền bồi thường.

Trong khi đó, 8 gói thầu xây lắp của dự án thì mới có gói thầu số 24 (thi công nút giao IC9) đã hoàn thành 100%. Các gói thầu còn lại mới đạt giá trị hợp đồng từ 18 đến gần 90%. Khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn để giải ngân cho các nhà thầu.

Trao đổi với PV, ông Phạm Quang Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú (nhà thầu thi công tại km 2+500) cho biết, đến đầu tháng 10.2023 cơ bản phần nền đường và các hạng mục phụ trợ đã hoàn thành.

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đã hoàn thành gần 70% giá trị hợp đồng, đang chờ được giao vốn để tăng tốc thi công. Ảnh: Nguyễn Tùng.

"Chúng tôi đang huy động nhân lực và máy móc để tăng tốc thi công. Mặt đường nhiều điểm đã đủ điều kiện thảm nhựa, tuy nhiên nhà thầu vẫn đang chờ giải ngân vốn để thực hiện các phần việc tiếp theo" - ông Hiệp thông tin.

Được biết, tỉnh Tuyên Quang đang có kế hoạch ứng trước 150 tỉ cho các nhà thầu trong khi chờ Trung ương bố trí 800 tỉ vốn ngân sách. Số vốn này sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 10.2023 sau đó Chính phủ mới có thể giao về địa phương.

Như vậy, nếu nhanh thì phải trong tháng 11.2023 mới có vốn rót về. Trên thực tế, với gần 900 tỉ đồng (bao gồm vốn chưa giải ngân theo kế hoạch) phải giải ngân hết trong gần 3 tháng để dự án kịp về đích trong năm 2023 là rất khó.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang) có tổng chiều dài 77km, tổng mức đầu tư 6.800 tỉ đồng. Công tác chuẩn bị đầu tư đã hoàn thành cuối năm 2022, lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng dự kiến xong trong tháng 10.2023.

Đây là dự án lớn với diện tích đất sử dụng hơn 590 ha, chủ yếu là đất lúa và đất rừng với gần 2.400 hộ gia đình tổ chức bị ảnh hưởng. Công tác kiểm đếm cơ bản đã hoàn thành.

Tuy nhiên, hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa và sử dụng rừng đã xong và đang chờ được Thủ tướng phê duyệt chủ trương. Vì chưa được phê duyệt nên chưa đủ cơ sở thu hồi đất rừng, đất lúa ảnh tới tiến độ bàn giao mặt bằng thi công.

UBND tỉnh Tuyên Quang đã đề nghị Bộ TNMT, Bộ NN-PTNT sớm thẩm, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng trong tháng 10.2023 để dự án thực hiện các bước tiếp theo.

Ngày 3.10, trao đổi với PV, ông Trần Viết Cương - Giám đốc Ban Quản lý dự án ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang cho biết, đối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đơn vị đang phối hợp với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công trên tất cả các gói thầu.

Cũng theo ông Cương, các nhà thầu đều đang chờ để được thanh toán khối lượng, nhiều đoạn đủ điều kiện thảm nhựa mặt đường. Các hạng mục phụ trợ đảm bảo an toàn giao thông đều đã được tập kết tại dự án.

"Phấn đấu cao nhất là hoàn thành tuyến cao tốc này trong năm 2023. Những vấn đề về mặt bằng thì không đáng ngại, khó khăn nhất vẫn là vốn để giải ngân cho các nhà thầu, trong khi số vốn thực hiện giai đoạn 2 của dự án vẫn chưa được giao" - ông Cương thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn