MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một căn biệt thự cổ Đà Lạt. Ảnh: CC

Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng biệt thự tại TP Đà Lạt

Mai Hương LDO | 08/09/2023 16:17

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định về quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt.

Theo Quyết định về quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt, các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà biệt thự gồm tự ý phá dỡ hoặc cải tạo làm thay đổi mật độ xây dựng, kiểu dáng kiến trúc, thay đổi kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật; chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng tài sản thuộc phần sở hữu chung trong nhà biệt thự dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, việc gây tiếng ồn quá mức quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; xả rác thải, nước thải, khí thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật, gây ô nhiễm môi trường xung quanh cũng là hành vi bị nghiêm cấm.

Nghiêm cấm việc chăn nuôi gia súc, gia cầm và các vật nuôi khác trong khuôn viên nhà biệt thự làm ảnh hưởng tới trật tự, mỹ quan và môi trường xung quanh (nếu nuôi sinh vật cảnh thực hiện đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật liên quan).

Hình ảnh trước đây tại biệt thự cổ Đà Lạt. Ảnh Đặng Tuấn

Cùng với đó là nghiêm cấm việc quảng cáo, viết, vẽ hoặc có những hành vi trái với quy định của pháp luật hay kinh doanh các ngành nghề cấm và các loại hàng hóa dễ gây cháy, nổ theo quy định của pháp luật; chia tách khuôn viên đất biệt thự thành nhiều thửa hoặc chia tách hợp đồng thuê biệt thự trái với quy định.

Chặt hạ cây xanh trong khuôn viên đất nhà biệt thự khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước cũng bị nghiêm cấm.

Đối với việc phá dỡ, xây dựng lại nhà biệt thự, không được phá dỡ nhà biệt thự nhóm một và nhóm hai nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo xác nhận kết quả đánh giá an toàn công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đại diện chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý nhà biệt thự có trách nhiệm thực hiện phá dỡ nhà biệt thự nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực theo quy định của pháp luật để thực hiện phá dỡ; trường hợp phá dỡ để xây dựng lại nhà biệt thự thì chủ đầu tư có trách nhiệm phá dỡ nhà biệt thự.

Còn với việc xây dựng lại nhà biệt thự, đối với nhà biệt thự nhóm một, nhóm hai khi xây dựng lại đảm bảo đúng theo kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của nhà biệt thự cũ. Đối với nhà biệt thự nhóm ba được phép xây dựng mới theo quy hoạch, phù hợp với kiến trúc, cảnh quan của khu vực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn