MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chung cư G6A Thành Công (thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Cao Nguyên

Cải tạo chung cư cũ: Mắc kẹt vì “tỉ lệ đồng thuận tuyệt đối”

Bảo Chương - Cao Nguyên LDO | 17/07/2021 15:10
Hiện nay trên địa bàn Thành phố Hà Nội và TPHCM có hàng nghìn chung cư cũ, được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1960 - 1990 của thế kỷ trước. Hầu hết các chung cư này đã xuống cấp nghiêm trọng, các cơ quan chức năng đã có nhiều động thái để cải tạo, xây dựng lại loại hình chung cư này nhưng đến nay vẫn bế tắc, có nhiều bất cập.

Sống mòn trong chung cư cũ

Chung cư Ngô Gia Tự (quận 10, TPHCM) được xây dựng từ năm 1968. Sau 52 năm đi vào hoạt động, đối lập với hình ảnh các cao ốc hiện đại xung quanh khu vực là hình ảnh dãy nhà 2 tầng đang xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, việc di dời, hỗ trợ bồi thường, tái định cư để cải tạo mới chung cư này đến nay vẫn đang bỏ ngỏ.

“Do chưa có phương án nên chúng tôi chưa thể di dời được, mà ngày nào còn ở đây thì ngày đó còn ăn không ngon, ngủ không yên. Cuộc sống phải chịu cảnh chật chội và rất bức bối vì thiếu các tiện ích tối thiểu” - bà Nguyễn Thị Huệ, cư dân tại chung cư Ngô Gia Tự, quận 10 nói và cho biết thêm, các hộ dân ở đây đã tự sửa chữa, chằng chống những trụ cột, bờ tường đã hỏng để cố bám trụ, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm bợ.

Hành lang tối om, không hệ thống báo cháy, sàn nhà và tường trong ngoài đều xập xệ, bong tróc là cảnh tượng khi bước chân vào Chung cư 155 - 157 Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), tọa lạc trên diện tích đất gần 600m2 ở vị trí đắc địa bậc nhất phố đi bộ Bùi Viện, trung tâm của “khu phố Tây” nổi tiếng được xây dựng từ trước năm 1975.

Chung cư 155 - 157 Bùi Viện được xây dựng từ trước năm 1975. Từ năm 2019, chính quyền UBND quận 1 đã có chủ trương cải tạo, xây dựng mới chung cư này. Tuy nhiên, cho đến nay do vướng mắc nhiều thủ tục về tạm cư cũng như chưa có nhà đầu tư nên vẫn còn một số hộ dân phải sống bám trụ lại ở chung cư.

Bất an và luôn mong ngóng ngày được di dời cũng là tâm trạng của những hộ dân đang sinh sống tại chung cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Căn hộ ở đây chỉ khoảng 40m2, với một phòng ngủ, một phòng khách, một khu nấu ăn cạnh nhà vệ sinh và chỗ phơi quần áo được cơi nới kiểu “chuồng bồ câu” phía ngoài ban công. Với những hộ dân ở đây, cảnh tượng những mảng vữa bất ngờ rơi xuống từ trần nhà, tường bị nấm mốc và sàn nhà luôn sẵn xô chậu để hứng nước dột vào những ngày mưa là chuyện bình thường.

Hai chung cư G6A, G6B (thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội) được liệt vào loại D (nguy hiểm nhất, khả năng chịu lực kém) cần phải được sửa chữa, nâng cấp bởi hiện khu nhà G6B đã có dấu hiệu bị nghiêng hẳn sang bên phải và được xếp vào 42 chung cư cũ cần phải di dời khẩn cấp do UBND TP.Hà Nội công bố năm 2016.

Theo ghi nhận, phần giữa hai đơn nguyên G6A và G6B đã bị tách ra, cách nhau vài chục centimet, tạo thành khe hở chữ V.

Quan sát phía đằng sau của 2 đơn nguyên này, lộ rõ khoảng trống do sụt lún tách rời hơn 60cm từ phía trên xuống, có căn hộ đã trổ hẳn cửa sổ mở 2 cánh, căn hộ khác thì tận dụng để treo cả cục nóng điều hòa. Còn từ phía mặt trước của hai đơn nguyên này trên đường Nguyên Hồng thì nhìn xuyên qua khe sụt lún có thể thấy được rõ các tòa nhà nằm phía sau.

Nan giải bài toán "đồng thuận”

Có nhiều lý do dẫn đến sự bế tắc trên, một trong số đó là khó khăn trong công tác đàm phán, hỗ trợ người dân di dời, đặc biệt liên quan tới ngân sách tạm ứng để hỗ trợ việc tạm cư cho người dân. Một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận 1 (TPHCM) cho biết, dù UBND quận, huyện đã được giao quyền tự quyết nhưng vẫn vướng mắc ở nhiều khâu, nhất là nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích thuộc sở hữu nhà nước. Có những chung cư cũ tìm mãi không ra doanh nghiệp đăng ký, nếu có thì luôn kèm điều kiện phải được điều chỉnh quy hoạch.

Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ quy định rõ, đối với những chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng, cộng đồng chủ sở hữu nhà chung cư có 3 - 12 tháng để lựa chọn chủ đầu tư và quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để xây mới chung cư. Nếu quá thời hạn mà các chủ sở hữu chung cư không chọn được nhà đầu tư thì Nhà nước có trách nhiệm phá dỡ và lựa chọn nhà đầu tư để tiến hành xây mới.

Quy định là vậy, nhưng thực tế khó thực hiện do các chủ sở hữu không thỏa thuận được phương án bồi thường, tái định cư với chủ đầu tư. Nhiều trường hợp ban đầu người dân đồng thuận nhưng sau đó lại đổi ý, chuyển từ nhận nhà tái định cư sang nhận tiền hoặc ngược lại, gây khó khăn cho chủ đầu tư.

Như câu chuyện của chung cư Trúc Giang (quận 4), chỉ có 4 hộ nói “không” nhưng khiến hơn trăm hộ khác phải chờ đợi. Còn nhớ, đầu năm 2019, hy vọng dường như đã đến với cư dân nơi đây khi tìm được một doanh nghiệp địa ốc tại TPHCM làm nhà đầu tư với phương án sẽ bố trí tái định cư tại chỗ cho 123 hộ dân. Sau khi xây dựng, người dân sẽ được tái định cư từ tầng 5 đến tầng 10 với tỉ lệ quy đổi 1,0m2 sàn căn hộ cũ sẽ được tái định cư bằng 1,1m2 sàn căn hộ mới. Nếu ai không có nhu cầu ở có thể bán lại cho chủ đầu tư với giá 27,5 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, phương án này lại không được sự đồng thuận của 100% cư dân, do đó UBND quận 4 không thể ra quyết định công nhận chủ đầu tư. Do chung cư đã xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, buộc UBND quận 4 phải di dời người dân đi nơi khác. Hiện đã có 119 hộ dân dọn đến nơi tạm cư, còn 4 hộ dân vẫn bám trụ tại đây.

Cũng nội dung này, hiện trạng hàng trăm người dân đang sống thấp thỏm tại khu nhà tập thể 3 tầng, đường Lê Hồng Phong (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, TP.Hà Nội) xây dựng từ những năm 1970 đã xuống cấp nghiêm trọng.

Từ năm 2016 đến nay, đã nhiều lần cư dân đối thoại với nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Công ty Xuân Mai) được UBND TP.Hà Nội giao làm chủ đầu tư thực hiện lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể 3 tầng, nhưng vẫn chưa thống nhất được hết 100% các chủ sở hữu. Lý do của các hộ dân chưa đồng thuận vẫn là vướng cơ chế đền bù, hài hòa lợi ích giữa các bên.

Trong văn bản vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh - cũng cho rằng, quy định phải có tất cả 100% chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới trong Luật Nhà ở 2014 là không khả thi, không sát với thực tiễn, mà nên quy định “quyết định phá dỡ nhà chung cư phải được tối thiểu 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà chung cư, khu chung cư đồng ý”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn