MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu thang lên xuống của chung cư cũ 51 Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội) đã xuống cấp. Ảnh Cao Nguyên.

Cải tạo chung cư cũ nát ở Hà Nội: HoREA đề xuất nhiều góp ý mới

CAO NGUYÊN LDO | 08/12/2020 18:36

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đóng góp ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (Dự thảo Nghị định 101).

Vừa qua, Báo Lao Động đã có những phản ánh về thực trạng chung cư cũ hiện nay tại hai thành phố lớn là TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Ghi nhận thực tế tại một số chung cư cũ của Hà Nội cho thấy những bức tường nứt toác, hệ thống cột dầm bị sụt lún nghiêm trọng, phần lan can bong tróc.... nhưng hiện nay, việc cải tạo, sữa chữa chung cư cũ vẫn giậm chân tại chỗ suốt nhiều năm.

Theo đánh giá của thành phố Hà Nội, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít; dự án đã quyết định đầu tư chậm triển khai, tư vấn lập quy hoạch còn quá chậm, không đạt yêu cầu đã đặt ra.

Thực tế, Bộ Xây dựng cũng đang xin ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Góp ý cho Dự thảo Nghị định, mới đây Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng. Theo đó, qua nghiên cứu, HoREA đánh giá cao nội dung dự thảo đã có nhiều quy định mới, có tính đồng bộ hơn.

Đáng chú ý là quy định giao thẩm quyền cho cấp tỉnh quyết định các chỉ tiêu về quy hoạch; Quy định về bồi thường tái định cư; Quy định về miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án xây dựng lại nhà chung cư…

Tại chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng nhiều nhà cơi nới ra rất nguy hiểm. Ảnh Cao Nguyên.

Tuy nhiên, HoREA cho rằng, để thu hút các nhà đầu tư trong việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư (nhà tập thể) cũ, cần sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Nghị định 101 một số quy định còn vướng mắc.

Đơn cử như, về cơ chế, theo HoREA, mặc dù tại Điều 110, Luật Đất đai quy định các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và còn quy định các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khác theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên trong 5 năm qua, Bộ Tài chính đã không đồng ý miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ diện tích đất được giao trong phạm vi dự án xây dựng lại nhà chung cư, quy định tại Khoản 4, Điều 15, Nghị định 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đây cũng là một vướng mắc lớn gây trở ngại cho việc thực hiện kế hoạch xây dựng lại các chung cư cũ.

Ngoài ra, HoREA nhận thấy tại Khoản 3, Điều 110, Luật Nhà ở quy định dự án phải được tất cả (100%) các chủ sở hữu nhà chung cư thống nhất phá dỡ nhà chung cư cũ để xây dựng lại nhà chung cư mới là không sát với thực tiễn và không khả thi.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Chính phủ đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù về tỷ lệ (khoảng 80%) chủ sở hữu nhà chung cư thống nhất phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại nhà chung cư mới…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn