MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn cung nhà ở xã hội không dễ đạt mục tiêu đề ra vì vướng pháp lý. Ảnh: Bảo Chương

Cần bổ sung thêm chính sách ưu đãi để khuyến khích xây nhà ở xã hội cho thuê

Bảo Chương LDO | 21/03/2024 06:20

TPHCM - Nhiều doanh nghiệp rất mong muốn làm dự án nhà ở xã hội, nhưng với cơ chế, cách làm hiện nay sẽ khó có thêm nhiều nhà ở xã hội.

Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM đưa ra chỉ tiêu xây mới 35.000 căn nhà ở xã hội (bao gồm nhà ở, nhà lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên) tương đương 2,5 triệu m2 sàn xây dựng, trong đó diện tích sàn nhà ở xã hội cho thuê phấn đấu đạt tối thiểu 500.000 m2 sàn.

Theo đó đã có 37 dự án được đưa vào kế hoạch triển khai trong giai đoạn nói trên. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chỉ có 1 dự án được hoàn, trong 36 dự án còn lại có 6 dự án đang thi công và 30 dự án hoàn tất thủ tục pháp lý, với quy mô khoảng 34.750 căn, đảm bảo các điều kiện để triển khai thi công xây dựng.

Với tình hình pháp lý và những vấn đề khác liên quan như hiện nay, từ nay đến năm 2025, Sở Xây dựng dự kiến sẽ đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 13 dự án, với quy mô khoảng 12.000 căn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Số dự án còn lại khó có thể hoàn thiện được mà chỉ dừng lại ở bước hoàn chỉnh pháp lý.

Bên cạnh đó, hiện nay việc thu hút, triển khai các dự án nhà xã hội cũng như khai thác 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại gặp nhiều khó khăn, chậm. Tình hình bất động sản khó khăn, các doanh nghiệp tập trung triển khai nhà ở thương mại trước; không có chế tài khi chủ đầu tư chậm triển khai dự án; thủ tục còn khó khăn…

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn tại các đô thị, trước hết là tại các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa cao, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ để phát triển các loại nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu của người dân tại từng địa phương, tránh tình trạng nhà ở xã hội bị “ế” như đã xảy ra tại một số địa phương.

Bởi lẽ, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh đã khảo sát, điều tra xã hội học, kết quả cho thấy có đến khoảng 60% công nhân, lao động nhập cư chỉ có nhu cầu thuê nhà trọ với giá thuê chỉ tầm khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng và chỉ chịu đựng nổi chi phí thuê nhà tầm khoảng 20% thu nhập hàng tháng, đồng thời chỉ muốn làm việc trong khoảng 10-15 năm rồi trở về quê, ông Lê Hoàng Châu cho biết.

Về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, Hiệp hội đề nghị các địa phương triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội theo quy định của Luật Đấu thầu 2023, để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực và khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất công (đất sạch) đã được quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội, khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai như đã xảy ra trước đây.

Khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành thì các địa phương còn có thể triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội trong trường hợp khu đất chưa giải phóng mặt bằng, xen cài đất công với đất tư theo quy định tại Điều 126 Luật Đất đai 2024, ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay rất cần bổ sung chính sách Nhà nước hỗ trợ về nhà ở đối với các chủ nhà trọ trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhà ở, trong đó đề nghị xem xét giảm bớt một chút mức thuế khoán, thuế thu nhập cá nhân đang áp dụng bằng 7%/doanh thu đối với các chủ nhà trọ hiện nay là khá cao, chưa thật hợp tình hợp lý. Cần bổ sung thêm chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn