MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bất động sản công nghiệp vẫn duy trì tốt nguồn cầu. Ảnh: Cao Nguyên.

Cần có thang chấm điểm để tăng sức hấp dẫn cho bất động sản công nghiệp

ANH HUY LDO | 01/04/2023 13:15

Thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp vẫn duy trì tốt nguồn cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ lợi thế về lao động, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi… Với doanh nghiệp đầu tư vào thị trường này, việc đánh giá theo thang điểm giúp họ xác định cơ hội - rủi ro trong khoản đầu tư sắp tới.

Không giống với các loại hình bất động sản (BĐS) khác đang có nhiều biến động, BĐS công nghiệp Việt Nam lại vươn mình trỗi dậy và được coi một điểm sáng chủ đạo của thị trường BĐS trong năm 2023.

Thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được nguồn cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ lợi thế về lao động, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi, sự ổn định kinh tế vĩ mô, và đặc biệt là việc mở cửa biên giới…

Bởi thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư và khách hàng quốc tế rất nhanh chóng tiến hành các cuộc khảo sát vị trí, ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng thuê và thỏa thuận mua bán.

Điển hình như việc "gã khổng lồ" Foxconn đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất tại Bắc Giang. Với kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tại tỉnh, Foxconn vừa ký kết biên bản ghi nhớ về việc tập đoàn nghiên cứu thuê lại 50,5ha đất tại khu công nghiệp Quang Châu để mở rộng quy mô. Tổng mức đầu tư ước tới 300 triệu USD.

Tiếp ngay sau là Samsung nâng tổng mức đầu tư vào Việt Nam lên 20 tỉ USD, nhằm tập trung phát triển nhóm ngành trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về nguồn cầu và mức độ tăng giá của thị trường, các chuyên gia cho rằng phân khúc này cũng còn nhiều bài toán phải giải quyết nếu không muốn rơi vào bẫy tăng trưởng nóng.

Theo các chuyên gia, giá đất và giá thuê đất công nghiệp tại Việt Nam đều thấp hơn một số điểm nóng về công nghiệp khác, nhưng nó đang tăng nhanh và vẫn chưa có một thang phân loại chuẩn nào được áp dụng chính thức tại Việt Nam.

Ông Vũ Minh Chí - Trưởng phòng cấp cao Dịch vụ Công nghiệp, Colliers Việt Nam – cho biết, cũng như BĐS văn phòng, bán lẻ hay khách sạn, BĐS công nghiệp là một loại tài sản thương mại. Do đó, một thang đánh giá, xếp hạng dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau là chỉ số cần thiết để định vị giá trị và tính cạnh tranh của nó trên thị trường.

Theo ông Chí, mặc dù mỗi quốc gia có cách tính khác nhau, tuy nhiên ba yếu tố phổ biến nhất là chất lượng công trình, vị trí, và tiện ích với rất nhiều thang điểm.

Riêng với BĐS công nghiệp, yếu tố logistics là trụ cột quan trọng thứ tư vì vị trí và khoảng cách tác động trực tiếp tới thời gian di chuyển đến các điểm tập kết giao - nhận hàng.

Nhờ hàng tỉ USD đổ bộ, BĐS công nghiệp có thêm động lực mới. Ảnh: Hưng Thơ.

“Chấm điểm cho BĐS công nghiệp là một bước rất quan trọng trong tiến trình đầu tư. Với doanh nghiệp đầu tư vào BĐS công nghiệp, việc đánh giá theo thang điểm giúp họ xác định cơ hội - rủi ro trong khoản đầu tư sắp tới.

Đối với khách thuê, họ cũng chủ động hơn trong việc tìm kiếm vị trí phù hợp để mở rộng sản xuất tại Việt Nam”, ông Chí nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhận định về tiềm năng đầu tư, chuyên gia BĐS Trần Minh cho biết, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển đa dạng hơn các sản phẩm BĐS công nghiệp như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics.

Các cơ hội chính trong ngành logistics bao gồm dịch vụ giao hàng chặng cuối và việc triển khai hệ thống logistics 4.0. Hơn nữa, sự thiếu hụt về cơ sở vật chất kho lạnh Việt Nam là điểm mà chủ đầu tư có thể tận dụng phát triển thêm dự án mới.

Ngoài ra, dịch vụ xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu, nhằm đáp ứng yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật cũng là điểm sẽ thu hút nhà đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn