MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần giải pháp căn cơ tháo gỡ pháp lý cho hàng loạt dự án đang cùng vướng. Ảnh: Nguồn Gotecland

Cần giải pháp căn cơ tháo gỡ khó khăn, cải thiện nguồn cung nhà ở

Gia Miêu LDO | 02/05/2023 14:23

Giải pháp thực sự cần phải đi từ cái gốc là các vướng mắc pháp lý trong từng dự án bất động sản, theo từng cơ chế pháp lý, theo từng nhóm vấn đề để từ đó tháo gỡ được hàng loạt dự án và tăng nguồn cung nhà ở.

Báo cáo nghiên cứu thị trường quý I/2023 của Công ty Cushman & Wakefield cho thấy, thị trường TP Hồ Chí Minh có hơn 1.647 căn hộ được mở bán mới từ cả dự án hiện hữu và dự án sơ cấp mới, tăng khoảng 49% so với nguồn cung mới trong quý IV/2022, nhưng giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Với phân khúc nhà liền thổ, quý I/2023 chứng kiến sự sụt giảm nguồn cung mới tại TPHCM với chỉ 56 căn mở bán mới từ các dự án hiện hữu. 

Cushman & Wakefield cho rằng, tình hình kinh tế ảm đạm cũng như những khó khăn trong việc hoàn thiện pháp lý của địa phương ảnh hưởng đến tốc độ phát triển dự án của các chủ đầu tư. Xu hướng này cũng ảnh hưởng đến nguồn cung trong tương lai vì các chủ đầu tư có khả năng trì hoãn đợt tung hàng trong tương lai; với kỳ vọng thị trường phục hồi trong thời gian tới.

Thị trường thiếu hụt nguồn cung nhà ở mới do vướng pháp lý. Ảnh: Anh Dũng

Nói về sự suy giảm mạnh nguồn cung nhà ở thời gian qua trên địa bàn thành phố, tại hội thảo "Vực dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế", ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh - nêu dẫn chứng số liệu năm 2021, thành phố có 4 dự án mới được phép chấp thuận chủ trương đầu tư, 4 dự án được điều chỉnh.

Năm 2022 lần lượt có 2 dự án mới được phép chấp thuận chủ trương đầu tư, 7 dự án được điều chỉnh. Quý I/2023, cấp mới 1 dự án và điều chỉnh 1 dự án. Như vậy, dự án được cấp mới rất ít. Đối với việc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án nhà ở, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2021 đến hết quý I/2023 chỉ có 5 dự án được UBND thành phố chấp thuận chủ trương nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án nhà ở, với tổng quy mô 72 ha. 

Theo đại diện Sở Xây dựng, đây là hai thủ tục để khai sinh ra các dự án nhà ở, tạo nguồn cung sắp tới đối với nhà ở trong tương lai. Bức tranh chung tình hình dự án bất động sản thông qua các thủ tục để thấy vì sao nguồn cung các dự án thấp. Về việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án thì báo cáo từ Sở Xây dựng thành phố cho thấy, trong thời gian qua, thành phố đã tháo gỡ một số điểm nghẽn, đặc biệt là 5 dự án cho phép mở bán với quy mô hơn 5.500 căn thời gian qua. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, cho tháo gỡ nút thắt để doanh nghiệp khơi thông dòng vốn, tuy nhiên vấn đề pháp lý dự án vẫn phải xem xét. 

Trong tổng số 32 dự án đang vướng mắc mà thành phố báo cáo với Tổ Công tác của Chính phủ, Tổ Công tác đã chuyển về, tháo gỡ 16/32 dự án; 16 dự án còn lại Tổ Công tác tiếp tục xem xét. 10/20 kiến nghị của Thành phố về các nhóm giải pháp để “khơi thông” các dự án đã được đồng ý và mới đây thành phố tiếp tục kiến nghị thêm 10 nhóm nội dung nữa nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc hiện nay.

Theo đại diện Sở Xây dựng, đây vẫn chưa phải là giải pháp căn cơ, cần phải tháo gỡ các thủ tục và vướng mắc pháp lý thì hàng loạt dự án mới được tháo gỡ. Còn giải pháp hiện nay, việc vẫn cho nhà đầu tư huy động nguồn lực xã hội nhưng pháp lý vẫn phải tiếp tục hoàn chỉnh thì chưa phải là giải pháp căn cơ, mà cần phải đi từ cái gốc là các vướng mắc pháp lý trong từng dự án, theo từng cơ chế pháp lý, theo từng nhóm vấn đề để từ đó tháo gỡ được hàng loạt dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn