MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tín dụng là một trong những nguồn vốn quan trọng đối với bất động sản. Ảnh: Cao Nguyên

Cần linh hoạt trong phân bổ tín dụng đối với bất động sản

ANH HUY LDO | 07/02/2023 08:19

Tín dụng là một trong những nguồn vốn quan trọng đối với bất động sản (BĐS), tuy nhiên, tính chất ngắn hạn của nguồn vốn này có thể gây rủi ro lớn khi BĐS là lĩnh vực đầu tư dài hạn. Do đó, linh hoạt trong điều hành chính sách tín dụng là cần thiết để đảm bảo hướng dòng vốn vào đúng đối tượng, kiểm soát được rủi ro.

Tín dụng bất động sản vẫn tăng

Trong năm 2022, dù tín dụng BĐS được kiểm soát chặt chẽ, những chủ đầu tư có năng lực, triển khai những dự án chất lượng, cần nguồn vốn lớn vẫn được ưu tiên tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm dự án. Chủ đầu tư đảm bảo năng lực, đủ tài sản bảo đảm vốn vay nên được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi.

Trong năm 2022, Thủ tướng đã chỉ đạo là duy trì tín dụng BĐS ở mức hợp lý, tức là không siết nhưng cũng không có nghĩa là nới lỏng hoàn toàn, mà dựa trên nền tảng quy định của các ngân hàng. Do đó, mức tín dụng BĐS trên thực tế vẫn tăng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31.12.2021, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt xấp xỉ 800.000 tỉ đồng, tăng khoảng 14% (so với cuối năm 2021 xấp xỉ 700.000 tỉ đồng).

Theo TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương linh hoạt trong điều hành chính sách tín dụng (chính sách tiền tệ chặt chẽ chứ không phải thắt chặt) để đảm bảo thị trường không tăng nóng, tạo bong bóng và tránh để thị trường lao dốc hay đổ vỡ.

Động thái kiểm soát chặt chẽ hơn vốn tín dụng vào BĐS ở góc độ tích cực đã giúp thị trường dần trở về trạng thái cân bằng hơn, đầu cơ bị loại bỏ.

Vẫn cần trần tín dụng

TS. Lê Xuân Sang đánh giá, hạn mức tăng trưởng tín dụng là một cơ chế, công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Đến thời điểm hiện tại, room vẫn là công cụ điều hành hữu hiệu của Ngân hàng Nhà nước trong nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam.

“Hiện tại, việc duy trì cơ chế room dựa trên nguyên tắc điều hành linh hoạt chứ không hoàn toàn cứng nhắc. Định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% không phải là ‘đóng cứng’ mà sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt tùy diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô và dựa vào sức khỏe của từng tổ chức tín dụng” - ông Sang cho hay.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, Ngân hàng Nhà nước khẳng định chỉ siết cho vay với các hoạt động đầu cơ, tích trữ BĐS , các dự án kém hiệu quả và các khoản vay cá nhân có giá trị lớn nhưng vấn đề là cần phải phân định và quy định rõ ràng như thế nào là hoạt đầu cơ, đâu là đầu tư và đâu là nhu cầu thực.

Thị trường BĐS đang trở lại trạng thái cân bằng. Ảnh: Cao Nguyên

Tránh để tình trạng doanh nghiệp không được cấp vốn kịp thời, dự án chậm tiến độ, nguồn cung thị trường thiếu hụt hay thậm chí, những người mua nhà có nhu cầu thực cũng khó tiếp cận.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cũng cho rằng, cần hoàn thiện chính sách tín dụng đối với thị trường BĐS, trong đó phân biệt rõ hơn BĐS phục vụ nhu cầu thiết yếu và không thiết yếu để ưu tiên tập trung nguồn vốn phát triển.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống thông tin về mua bán, thế chấp BĐS thống nhất trên toàn quốc, thông qua hệ thống cổng thông tin quốc gia để góp phần công khai, minh bạch hóa thị trườngBĐS, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cho vay nhận thế chấp tài sản bảo đảm là BĐS an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển thị trường vốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp BĐS huy động nguồn vốn dài hạn, góp phần làm giảm lệ thuộc vào dòng vốn tín dụng ngân hàng cũng là giải pháp cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn