MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp bất động sản đang cần được bơm tiền. Ảnh: A.D

Cần nới việc siết dòng tiền đầu tư vào bất động sản

Gia Miêu LDO | 28/06/2022 16:36
TPHCM - Dòng tiền vào bất động sản (BĐS) là vấn đề mấu chốt về mặt vĩ mô, không chỉ cứu ngành bất động sản mà còn tạo động lực cho nền kinh tế.

Trong quý 2.2022, báo cáo nghiên cứu thị trường của CBRE cho thấy thị trường bất động sản trở nên sôi động, đón nhận số lượng sản phẩm tăng cao đột biến so với cùng kỳ, đạt gần 13.000 căn. Nhưng số lượng sản phẩm này chủ yếu tập trung ở các dự án lớn, tức số lượng dự án không có sự chuyển biến nhiều. Giá bán có xu hướng tăng cao.

Hiện nay, tại TPHCM không có căn hộ bình dân và trung cấp, nếu có thì nằm ở xa trung tâm. Nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án cao cấp và hạng sang đã đẩy giá bán căn hộ ở thị trường TPHCM tăng vọt. Giá bất động sản liền thổ tăng mạnh khi các dự án mới xác lập mức giá kỷ lục. Giá loại hình nhà phố và biệt thự tăng gần tương đương nhà phố thương mại nhờ nguồn cung mới giá cao. Nguồn cung sơ cấp giá phải chăng ngày càng khan hiếm.

Nhận định về 6 tháng cuối năm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE đưa ra nhận định, sự mất cân đối về nguồn cung tại TPHCM ngày càng rõ, do chi phí phát triển dự án bị đẩy lên cao nên hầu hết sản phẩm đưa ra thị trường thời gian tới chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp và hạng sang. Phân khúc tầm trung không có nguồn cung từ nay đến cuối năm nếu không có sự hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nhà ở bình dân, nhà ở xã hội.

Dòng tiền sẽ nằm ở các sản phẩm cao cấp, nhóm sôi động nhất chỉ nằm ở các nhà đầu tư có tài chính mạnh. Thực tế, nhóm khách hàng có nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng họ không biết mua gì, mua ở đâu và tìm ở đâu để mua. Hiện nay mua sản phẩm khoảng 3 tỉ trên thị trường thứ cấp thì rất khó khăn vì ngân hàng đang siết tín dụng.

Cũng liên quan đến câu chuyện siết tín dụng vào bất động sản và tìm kiếm dòng tiền đầu tư cho lĩnh vực bất động sản, tại Hội thảo "Dòng tiền và xu thế bất động sản cuối năm 2022", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM phân tích, hiện có đến 80-85% doanh nghiệp phải huy động vốn từ thị trường. Nguồn vốn đó đến từ vốn tín dụng. Vốn tín dụng được xem là "bà đỡ" của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Trong dự thảo Thông tư 39 mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng từ “kiểm soát” việc cho vay mua, kinh doanh bất động sản và “kiểm soát” việc cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Để đảm bảo nguồn vốn tín dụng chảy vào thị trường BĐS, các dự án BĐS có tính khả thi, các doanh nghiệp có uy tín sẽ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, Thông tư 39 của NHNN sửa đổi Điều 8, không được phép cho vay đối với một số trường hợp, trong đó có việc vay để chứng minh bảo lãnh như vay đi du học, thành lập doanh nghiệp

“Chúng tôi đề nghị xem xét lại, theo hướng các dự án bất động sản có tính khả thi, các doanh nghiệp có uy tín, khách hàng được đánh giá cao vẫn được tiếp cận tín dụng, người tiêu dùng có nhu cầu cũng được tiếp cận. Tôi đồng ý quy định NHTM không cho vay để góp vốn, bảo lãnh nhưng trừ trường hợp có tài sản bảo đảm, ông Châu nêu kiến nghị. 

PGS.TS Trần Đình Thiên Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng có quan điểm cho rằng Việt Nam đang có xu hướng chuyển đổi nền kinh tế mở nên phải luôn định hướng sự phát triển của dòng đầu tư. Việc phát triển quá nhanh dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một khi xuất hiện nguy cơ rủi ro, NHNN phải siết lại. Vì thế, những doanh nghiệp có liên quan sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên. 

“Thời gian tới, chúng ta không được sợ lạm phát, phải tin vào năng lực quốc gia, phải “bơm máu” cho nền kinh tế. Trong đó, dòng tiền vào bất động sản là vấn đề mấu chốt về mặt vĩ mô, không chỉ cứu ngành bất động sản mà còn tạo động lực cho nền kinh tế”, TS Thiên nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn