MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh Phương Anh

Cần quy định chi tiết, minh bạch Luật Đất đai để áp dụng thực tiễn ngay

Nguyễn Hà - Cát Tường LDO | 17/11/2023 14:18

Luật Đất đai sửa đổi chưa được thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần này, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ Đất đai cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp để cùng hoàn thiện một dự thảo với phương án tối ưu nhất.

Tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất và Quốc hội đồng tình chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong sáng ngày 16.11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã được các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ phối hợp chặt chẽ, nhiều vấn đề cụ thể đã được quy định chi tiết, cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chất lượng dự án luật đã được nâng lên một bước rõ rệt. Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung còn có phương án khác nhau, cần xin ý kiến. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo và các cơ quan cần tập trung lập luận các ưu điểm, nhược điểm để làm sáng tỏ các quan điểm, đề xuất lựa chọn phương án tốt nhất.

Đối với các nội dung đưa ra 2 phương án tại phiên thảo luận tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung mà hai bên đã thống nhất được phương án lựa chọn trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội. Đối với các nội dung đang thiết kế hai phương án mà chưa chốt phương án lựa chọn, trên cơ sở kết luận tại phiên họp, đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức để các cơ quan chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Trường hợp đã có sự thống nhất thì không để hai phương án.

Trao đổi với Lao Động, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các cơ quan có liên quan của Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra dự án Luật này và cũng là cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật) để tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan có liên quan, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ảnh Bộ TNMT

Cần quy định chi tiết, minh bạch các điều Luật

Trao đổi với Báo Lao Động, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nhấn mạnh Luật Đất đai là đạo luật lớn, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, sửa đổi Luật Đất đai lần này có nhiều lĩnh vực quan trọng liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác quản lý về đất đai và giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi.

"Nội dung sửa đổi đang có nhiều quan điểm khác nhau, vì vậy, cần phải tiếp thu, bàn bạc, nghiên cứu và đi đến thống nhất. Việc chưa thể thông qua dự án Luật Đất đai ở kỳ họp Quốc hội này là một điều rất là đáng tiếc, vì rõ ràng việc thông qua dự Luật sẽ có những tác động nhất định đến nền kinh tế.

Nhiều người dân đặt kỳ vọng Luật Đất đai được thông qua sẽ giúp giá đất bám sát với giá thị trường, trong vấn đề thu hồi đất thì quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo tốt hơn", Luật sư Cường nói thêm.

Cũng theo Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Quốc hội thận trọng trong việc thông qua dự Luật là hợp lý, bởi cần có thêm những nghiên cứu cụ thể, để khi ban hành sẽ đảm bảo tính khả thi, sự bền vững trong việc ổn định các quan hệ pháp luật. Việc chậm thông qua Luật Đất đai là một điều đáng tiếc, nhưng cần sự thận trọng, tiếp thu thêm ý kiến của các chuyên gia, ý kiến của người dân để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo sự công bằng xã hội.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi, băn khoăn của các đại biểu với dự Luật, nên việc chậm lại để chỉnh sửa, nghiên cứu thêm là cần thiết.

"Trong lần tới trình dự Luật ra Quốc hội, Ban soạn thảo cần làm rõ và lập luận chặt chẽ trong từng phương án. Ngoài ra, cần quy định các điều luật chi tiết, công khai, minh bạch, tránh việc có quá nhiều nghị định hướng dẫn thi hành trong dự án Luật; vạch rõ các khung thời gian để khi ban hành Luật có thể áp dụng thực tiễn ngay", Luật sư Hậu nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn