MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần sớm có quy định cụ thể để luật hoá việc dùng hình thức đặt cọc huy động vốn trái phép. Ảnh: Gia Miêu

Cần sớm luật hoá việc huy động vốn qua hình thức đặt cọc

Gia Miêu LDO | 20/05/2023 15:56

Thời gian qua, tại nhiều dự án khu đô thị, dự án nhà ở của nhiều địa phương đã có không ít trường hợp chủ đầu tư “bắt tay” với các sàn môi giới bất động sản rầm rộ quảng cáo rao bán, huy động vốn trái phép dưới nhiều hình thức, tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng.

Sau nhiều năm kí kết hợp đồng thỏa thuận giao dịch căn hộ tại dự án Haus Belo (TP Thủ Đức) với đơn vị phát triển dự án, mới đây, nhiều khách hàng bất ngờ nhận thông báo chấm dứt thỏa thuận giao dịch của đơn vị phát triển dự án là Công ty AHC Minh Sơn.

Thông báo chấm dứt thỏa thuận giao dịch do bà Phạm Thị Minh Kha - Giám đốc AHC Minh Sơn - kí gửi khách hàng. Theo đó, dự án Haus Belo là một phần của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Minh Sơn (nay là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Dịch vụ Minh Sơn) làm chủ đầu tư. AHC Minh Sơn là đơn vị phát triển độc quyền theo Giấy chứng nhận số 01/CV do chủ đầu tư cấp vào ngày 6.12.2018.

Theo thông báo, tính đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư chưa hoàn thành thêm bất kì thủ tục pháp lí nào để đưa dự án Haus Belo vào khởi công theo cam kết với AHC Minh Sơn. Vì vậy buộc AHC Minh Sơn phải thông báo chấm dứt thỏa thuận thực hiện giao dịch với khách hàng, kể từ ngày 31.3 vừa qua. 

Tuy nhiên, điều khách hàng bức xúc đó là người mua đã nộp tiền đặt cọc 10% giá trị căn hộ. Trong suốt hơn 4 năm sau đó, Công ty AHC Minh Sơn đã cho phép cư dân tự do chuyển nhượng và có thu phí chuyển nhượng, nhiều giao dịch đã được thực hiện, thậm chí rất nhiều căn hộ đã được cư dân mua bán sang tên tới 3 - 4 lần. Việc mua bán dự án của Công ty AHC Minh Sơn là một câu chuyện mà người mua nhà không hề biết, và nếu chưa hoàn tất pháp lí khi chuyển nhượng thì tại sao lại triển khai huy động vốn của khách hàng rồi ngâm trong hơn 4 năm qua?

Lâu nay, việc đặt cọc mua bán bất động sản diễn ra phổ biến trên thị trường. Nhiều chủ đầu tư nhận đặt cọc, thỏa thuận giữ chỗ với số tiền lớn, có trường hợp đến 80% giá trị căn hộ. Trên thực tế, Luật Dân sự cho phép đặt cọc để đảm bảo giao kết và thực hiện hợp đồng trong tương lai. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bất động sản lại chưa có quy định cụ thể đặt cọc, thỏa thuận giữ chỗ căn hộ, nhà ở nên chủ đầu tư tự quyết việc này, cơ quan quản lý khó giám sát, khiến người mua nhà thiệt thòi và nhận rủi ro.

Nhiều dự án chỉ là bãi đất trống nhưng lách luật huy động vốn bằng hình thức đặt cọc. Ảnh: Anh Tú 

Luật sư Nguyễn Thanh Nhã (Văn phòng luật DBS) cho hay, đối với quy định về việc xử phạt hành chính về việc chủ đầu tư dự án bất động sản huy động vốn trái phép, theo quy định tại Nghị định 16 của Chính phủ mức phạt có thể lên tới 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền này đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là không đáng kể, vì vậy không đủ tính răn đe, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp kinh doanh biết sai nhưng vẫn làm. Cần có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe các chủ đầu tư.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh - cho rằng, cần có quy định chỉ được nhận tiền đặt cọc từ khách hàng khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư; giá trị đặt cọc không quá 5% giá trị nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Đối với trường hợp bên bán đất nền nhà hình thành trong tương lai không nằm trong dự án bất động sản thì chỉ được nhận đặt cọc sau khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tách thửa theo quy định của pháp luật về đất đai và giá trị đặt cọc không quá 5% giá trị nền nhà hình thành trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn