MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường khó khăn nên tạo điều kiện để doanh nghiệp tự cứu mình. Ảnh: Cao Nguyên (minh họa).

Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản tự cứu mình

ANH HUY LDO | 22/02/2023 08:28

Trước thực tế khó chồng khó đang bao trùm thị trường bất động sản (BĐS), bên cạnh việc trông chờ vào sự tháo gỡ từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp BĐS cần được tạo điều kiện để chủ động có giải pháp tự cứu mình.

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phần lớn các khó khăn của doanh nghiệp BĐS hiện nay xuất phát từ yếu tố khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính quá trình phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp đã không tính đến việc quản trị tốt các bài toán rủi ro, đặc biệt là phụ thuộc quá lớn vào các nguồn vốn huy động từ bên ngoài.

Chính vì vậy, ngay lúc này, doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi trông chờ vào những sự hỗ trợ khác. Đó là phải tái cấu trúc lại các danh mục đầu tư, phải quyết tâm cắt bỏ những phần mà thấy rằng nó chưa thể mang lại hiệu quả ngay, thậm chí chấp nhận các khoản lỗ để tập trung nguồn lực đầu tư vào các hạng mục chính.

TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã chạy theo guồng quay của giá cả, tạo nên những sản phẩm không phù hợp với thị trường. Do đó, việc cần làm đầu tiên là phải căn chỉnh lại chiến lược kinh doanh theo hướng bền vững hơn, cơ cấu lại phân khúc sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của người mua để có được dòng tiền trở lại.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, cần chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước. Nếu mọi thủ tục về pháp lý vẫn tiếp tục bị “đóng băng” thì các doanh nghiệp BĐS khó có thể tự mình thoát ra được.

Ông Đính phân tích, để làm một dự án phù hợp với nhu cầu của thị trường thời điểm này là không dễ. Đơn cử như nhà ở xã hội, hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn, thủ tục nhiêu khê, lãi suất cao như nhà ở thương mại trong khi lợi nhuận bị khống chế, đầu ra hạn hẹp bởi quy định đối tượng. Doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi chính sách riêng về nhà ở xã hội để tháo gỡ các rào cản, vướng mắc.

 Nhiều vướng mắc pháp lý cần được tháo gỡ sớm. Ảnh: Cao Nguyên

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra mới đây, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes - bày tỏ lo lắng, nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp kịp thời thì nhiều doanh nghiệp địa ốc sẽ phải đóng cửa, phá sản.

Có thể thấy, pháp lý vẫn là một trong những vướng mắc lớn, quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp BĐS khi đã sử dụng hết toàn bộ nguồn lực vào các dự án mà không thể thu hồi vốn.

Đơn cử như dự án của Công ty TNHH Gotec Việt Nam tại đường Bến Nghé (phường Tân Thuận Đông, quận 7). Đây là một trong số 7 dự án được bàn tháo gỡ trong buổi họp chiều 20.2 với UBND TPHCM. đã hoàn thành phần móng, hầm và tầng 1, đã đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại. Tuy nhiên, dù nhiều lần nộp hồ sơ mà doanh nghiệp này vẫn nhận được câu trả lời là “đang rà soát”.

Các khoản thiệt hại trước mắt là tổn thất rất lớn về doanh thu và chi phí. Về lâu dài, nếu không sớm giải quyết cấp thông báo đủ điều kiện bán, doanh nghiệp này cho biết sẽ không còn khả năng chi trả chi phí và duy trì hoạt động, dẫn đến mức độ thiệt hại sẽ lớn hơn.

Vì vậy, chỉ khi những vướng mắc pháp lý được tháo gỡ đồng bộ cùng với quá trình tái cấu trúc của doanh nghiệp, thị trường BĐS mới kỳ vọng có thể phục hồi trở lại và phát triển theo hướng bền vững hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn