MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu lãi suất khủng cần được giám sát tránh những rủi ro về thanh khoản cho nhà đầu tư. Ảnh: PV

Cần thận trọng với rủi ro thanh khoản

GIA MIÊU LDO | 15/07/2019 14:31

Theo thống kê, 6 tháng qua đã có hơn 20.000 tỉ đồng trái phiếu được các doanh nghiệp bất động sản tung ra thị trường nhằm tìm kiếm vốn trong bối cảnh vay tín dụng từ ngân hàng đang dần siết. Điều đáng nói, nhằm thu hút khách hàng, lãi suất phát hành của loại trái phiếu này đã được nâng lên mức cao vượt mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ.

Và cũng từ đó, nhiều cảnh báo được đưa ra với nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường khó khăn, sức tiêu thụ trên thị trường bất động sản (BĐS) giảm sút mạnh.

Đua phát hành trái phiếu lãi suất “khủng”

Trong báo cáo mới cập nhật của Công ty chứng khoán (CTCK) MBS cho thấy, từ đầu năm đến nay, đã có 69.747 tỉ đồng được huy động qua trái phiếu doanh nghiệp (DN). Trong đó, nhóm ngành BĐS, xây dựng, hạ tầng đứng thứ hai về lượng trái phiếu phát hành với 19,7 nghìn tỉ đồng, chiếm 28,3% tổng lượng trái phiếu DN phát hành từ đầu năm.

Cũng theo thống kê từ các CTCK, có thể thấy một dấu hiệu gia tăng về cuộc đua mặt bằng lãi suất trái phiếu. Điều đó thể hiện qua mức lãi suất do một số “đại gia” niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK). Lãi suất cao nhất trong nhóm này là trái phiếu do Công ty Cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) phát hành. Trong 6 tháng đầu năm, PDR đã phát hành 3 đợt trái phiếu, trong đó đợt phát hành 200 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm hồi tháng 3 có lãi suất lên tới 14,5%, 2 đợt phát hành trong tháng 5 với lần lượt 100 tỉ trái phiếu kỳ hạn 1 năm lãi suất 12% và 550 tỉ trái phiếu kỳ hạn 5 năm lãi suất 10,5%.

Không chỉ PDR, không ít DN khác chấp nhận trả lãi suất 12%/năm để huy động vốn qua trái phiếu như Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest và Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH). Trong khi VPI có 1 đợt phát hành trong tháng 5.2019 có lãi suất 12% thì KDH trong tháng 5 đã huy động vốn qua 2 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 năm với tổng giá trị 900 tỉ đồng, lãi suất đều ở mức 12%/năm.

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) thông qua việc phát hành tối đa 400 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất dự kiến không quá 12%/năm.

Cần được giám sát

Động thái này của các DN BĐS diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực hạn chế dòng tiền chảy vào các kênh mang tính tăng trưởng nóng và phát triển nhờ cung tiền là bất động sản. Ðiều đó gián tiếp làm cho các DN nhóm ngành này tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn và không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh huy động vốn thông qua trái phiếu.

Tuy nhiên, quanh vấn đề này có nhiều lo ngại về hiện tượng phát hành riêng lẻ mà lãi suất rất cao. Và băn khoăn về việc các ngân hàng thương mại có mua hay không, hay chỉ các nhà đầu tư tư nhân. Mặt bằng lãi suất có bị ảnh hưởng không?

TS Trương Huy Mai - chuyên gia tài chính RMIT - cho hay, việc lãi suất trái phiếu được hành cao là do cấu trúc kỳ hạn và cấu trúc rủi ro. Khi DN có đầu ra tốt, mang lại lợi nhuận cao, họ hoàn toàn có thể chi trả lãi suất cao cho huy động. Vấn đề là DN BĐS phát hành trái phiếu có thể kiểm soát được rủi ro của họ hay không? Cái khó là dự án BĐS thường là trong tương lai, rất khó đánh giá hết được tính khả thi và hiệu quả của nó nên người dân mua trái phiếu phải chấp nhận mua rủi ro đó. Nhà đầu tư phải thực sự tỉnh táo để đánh giá được năng lực thực sự của DN phát hành, TS Mai nhận định.

Trả lời câu hỏi, việc nâng mức lãi suất trái phiếu cao như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến mặt bằng lãi suất huy động, ông Trần Duy Phương - chuyên gia phân tích của VDSC - cho rằng, sẽ tạo một áp lực đối với mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại và chắc chắn sẽ có rủi ro cho thị trường khi khách hàng nhắm đến của việc phát hành này là khách hàng cá nhân.

Về phương diện rủi ro, điều đáng lo ngại nhất chính là sức tiêu thụ của thị trường BĐS hiện chững lại. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền của các DN BĐS. Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán nhà nước từ 65 DN BĐS niêm yết trên thị trường, con số tồn kho đã lên hơn 200.000 tỉ đồng. Những DN phát hành trái phiếu nói trên lại là những DN có con số báo cáo hàng tồn kho khá lớn.

“Phát triển thị trường trái phiếu DN là bước tất yếu. DN có nhu cầu vốn mà họ phát hành được thì tốt, tăng vốn cho nền kinh tế. Nhà đầu tư mua trái phiếu bởi hấp dẫn về mặt lãi suất nhưng cũng cần lường trước rủi ro khi có một cú sốc kinh tế nào đó xảy ra. Quan trọng vẫn là nhà đầu tư phải thực sự tỉnh táo để đánh giá được năng lực thực sự của DN phát hành chứ không phải cứ nhìn thấy lãi suất cao hấp dẫn là mua vào trong khi rủi ro thì không biết”, TS Trương Huy Mai nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn