MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà đầu tư cần cẩn trọng trước khi xuống tiền mua nhà. Ảnh: Phan Anh

Cẩn trọng với miếng mồi thơm mang tên nhà ở thử

Xuyên Đông LDO | 02/08/2023 18:00

Nhằm kích cầu thương mại, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tung ra “miếng mồi thơm” như ở thử nhà, căn hộ 18 tháng trước khi mua. Thế nhưng người mua cần hết sức cẩn trọng trong việc quyết định lựa chọn mô hình này.

Trao đổi với Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Thị Tình - Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh hoa Việt - cho biết, về việc dùng thử sản phẩm trước khi mua được quy định tại Điều 452 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, Điều 452 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

1. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua được dùng thử vật mua trong một thời hạn gọi là thời hạn dùng thử. Trong thời hạn dùng thử, bên mua có thể trả lời mua hoặc không mua; nếu hết thời hạn dùng thử mà bên mua không trả lời thì coi như đã chấp nhận mua theo các điều kiện đã thỏa thuận trước khi nhận vật dùng thử.

Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về thời hạn dùng thử thì thời hạn này được xác định theo tập quán của giao dịch có đối tượng cùng loại.

2. Trong thời hạn dùng thử, vật vẫn thuộc sở hữu của bên bán. Bên bán phải chịu mọi rủi ro xảy ra đối với vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong thời hạn dùng thử, bên bán không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cầm cố tài sản khi bên mua chưa trả lời.

3. Trường hợp bên dùng thử trả lời không mua thì phải trả lại vật cho bên bán và phải bồi thường thiệt hại cho bên bán, nếu làm mất, hư hỏng vật dùng thử. Bên dùng thử không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn thông thường do việc dùng thử gây ra và không phải hoàn trả hoa lợi do việc dùng thử mang lại.

Như vậy, pháp luật dân sự không cấm việc dùng thử sản phẩm trước khi sử dụng. Đây cũng có thể coi là một điều khoản có lợi cho người mua. Tuy nhiên thời hạn dùng thử chưa phát sinh giao dịch mua bán.

Do đó, người dân cần phải đọc kỹ và đàm phán rõ các điều khoản trong bản hợp đồng dùng thử. Trong đó, người sử dụng cần đàm phán và ghi rõ thỏa thuận này trong hợp đồng về việc bồi thường thiệt hại. Bởi nếu sau khi dùng thử sản phẩm người dân mua lại căn hộ sẽ không phát sinh các trách nhiệm liên quan.

Thế nhưng, trường hợp người dân không mua mà trả lại sản phẩm thì các trách nhiệm về việc trả lại hàng dùng thử sẽ được kích hoạt. Trong đó, khi trả lại nhà, 2 bên sẽ phải xác định bồi thường thiệt hại. Lúc này, với số tiền người dân đã đóng cho chủ đầu tư rất có thể sẽ bất lợi khi bị khấu trừ.

Hơn nữa, do việc dùng thử chưa phát sinh quan hệ mua bán, nên để đảm bảo quyền lợi của mình, người mua nên chốt luôn giá mua căn hộ tại chính thời điểm dùng thử trong bản hợp đồng. Sau 18 tháng, khi mua hoặc trả lại căn hộ, thì đây chính là căn cứ để tính giá căn hộ tránh việc bị chủ đầu tư nâng giá nếu người dân mua và giảm giá nếu người dân trả lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn