MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản vẫn có độ rủi ro cao. Ảnh: Bảo Chương

Cẩn trọng với trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Bảo Chương LDO | 19/08/2024 16:28

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vay nợ lớn qua kênh trái phiếu nhưng kinh doanh khó khăn.

Có gần 1.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, nhưng tình hình hoạt động cũng như khả năng trả gốc và lãi trái phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại Thịnh Phát chưa có nhiều biến chuyển. Theo thông tin công bố trên HNX, Đại Thịnh Phát đang lưu hành 2 lô trái phiếu với tổng giá trị gần 1.000 tỉ đồng, trong đó một lô trái phiếu giá trị 500 tỉ đồng đáo hạn ngày 29.7 vừa qua đã được gia hạn thành công thêm 1 năm. Lô trái phiếu còn lại có giá trị gần 472 tỉ đồng đáo hạn trong 8.2024.

Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, tình hình thanh toán gốc và lãi trái phiếu của Đại Thịnh Phát không lấy làm tích cực. Năm 2023, Đại Thịnh Phát mới chỉ thanh toán được hơn 10,3 tỉ đồng tiền lãi cho 2 lô trái phiếu nói trên.

Về tình hình kinh doanh, năm 2022, công ty báo lỗ sau thuế 4,8 tỉ đồng. Theo báo cáo mới công bố, năm 2023, công ty đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế 10,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, so với số lãi trái phiếu chậm trả cho tới nay và việc 2 lô trái phiếu trị giá gần 1.000 tỉ đồng đáo hạn, con số này không đủ sức khiến các trái chủ yên tâm.

Hay như trường hợp Công ty Cổ phần Phát triển Tổng hợp Hưng Thịnh Phát vừa có báo cáo gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) việc huy động thành công lô trái phiếu 412 tỉ đồng. Lô trái phiếu này phát hành và hoàn tất ngày 17.7 vừa qua, có kỳ hạn 4 năm với lãi suất 12%/năm. Trước đó, vào tháng 3.2024, Hưng Thịnh Phát cũng hoàn tất phát hành lô trái phiếu giá trị 2.888 tỉ đồng. Như vậy, trong khoảng nửa năm gần đây, Hưng Thịnh Phát đã huy động thành công tổng cộng 3.300 tỉ đồng qua kênh trái phiếu.

Phát hành số lượng trái phiếu khá lớn nhưng theo thông tin gửi HNX vào tháng 5.2024, số lỗ của công ty là hơn 230 tỉ đồng. Cũng theo báo cáo này, vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2023 của Hưng Thịnh Phát đã lên tới 969 tỉ đồng so với mức 30,2 tỉ đồng năm 2022. Số nợ phải trả của doanh nghiệp tăng từ mức gần 19 tỉ đồng lên 2.301 tỉ đồng.

Đó là những trường hợp không hề khó tìm trên thị trường trái phiếu với một hình ảnh khá giống nhau, là phát hành trái phiếu lượng lớn nhưng báo cáo kết quả kinh doanh thì chỉ thấy những con số lỗ khủng.

Theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm (VIS Rating), lượng trái phiếu có rủi ro cao trong năm 2024 chiếm giá trị vào khoảng 40 nghìn tỉ đồng, thấp hơn đáng kể so với con số 147 nghìn tỉ đồng trái phiếu chậm trả gốc và lãi phát sinh mới trong năm 2023. Phần lớn trái phiếu có rủi ro cao thuộc về các doanh nghiệp liên quan đến khối bất động sản hoặc xây dựng với dòng tiền yếu, tỉ lệ vay nợ cao và nguồn tiền mặt để trả nợ đến hạn rất hạn chế.

“Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy có hơn 60% giá trị trái phiếu rủi ro cao trong năm 2024 đến từ nhóm công ty dạng "vỏ", không có hoạt động kinh doanh cốt lõi nhưng vẫn phát hành trái phiếu để huy động vốn. Những doanh nghiệp này kém minh bạch và khả năng trả nợ yếu, nên có tỉ lệ trái phiếu chậm trả rất cao và có liên quan đến các nhóm doanh nghiệp đang chậm trả gốc và lãi trái phiếu”, báo cáo của VIS Rating chỉ rõ.

Số liệu của VIS Rating cho thấy, hơn một nửa số công ty trong nhóm dạng "vỏ" này có vấn đề trong việc trả nợ. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là nhiều doanh nghiệp nhóm này không có website, thể hiện sự thiếu minh bạch trong công bố thông tin. Trong khi đó, bên mua lại trái phiếu của nhóm này chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn