MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nhóm nhà đầu tư tổng hợp kết quả đấu giá đất, bàn phương án bỏ giá như thế nào trong cuộc đấu giá ngày 19.8 tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Anh Quân

Cảnh báo sang tay đất đấu giá, kiếm tiền chênh cả trăm triệu

CAO NGUYÊN LDO | 14/09/2024 19:00

Nhiều lô đất ở vùng ven Hà Nội sau khi đấu giá thành công, chủ nhân đã bán sang tay lãi cả trăm triệu thậm chí đến nửa tỉ đồng.

Kiếm trăm triệu đồng tiền chênh

Thời gian gần đây, tại các huyện ngoại thành của Hà Nội liên tục tổ chức các cuộc đấu giá đất. Tỉ lệ thành công của các cuộc đấu giá rất cao và mang lại một nguồn ngân sách lớn cho địa phương.

Mới đây nhất, phiên đấu giá đất huyện Phúc Thọ tại 3 xã Trạch Mỹ Lộc, Thọ Lộc và Xuân Đình đã thu hút gần 200 người và hơn 400 hồ sơ hợp lệ tham gia. Các thửa đất có diện tích từ 97,1 - 162,9m2, với giá khởi điểm từ 19,8 - 25 triệu đồng/m2.

Hầu hết các thửa đất trúng đấu giá với mức trên 50 triệu đồng/m2, giá trúng thấp nhất trong số 30 thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc là 39,2 triệu đồng/m2.

Ngay sau khi có quyết định trúng đấu giá, nhiều nhà đầu tư đã sang tay, chốt lời cả trăm triệu đồng/lô. Việc mua đi bán lại cũng diễn ra rất sôi nổi. Các lô đất trúng đấu giá được các nhóm đầu cơ ra giá chênh từ 150 - 500 triệu đồng/m2.

Anh Ngọc Đức - một môi giới bất động sản huyện Phúc Thọ - cho biết, trên thực tế nhiều trường hợp trúng đấu giá đã lập tức rao bán chênh và có những lô đất đã bán đi bán lại được 2 - 3 lần.

Những lô đất có giá trúng ở mức dưới 50 triệu đồng/m2 được săn đón nhiều nhất và có giá chênh ở mức 150 - 300 triệu đồng.

Nhiều rủi ro, thậm chí trốn thuế

Theo quy định của Luật Đất đai 2024, người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất trúng đấu giá cho người khác.

Vì vậy, đối với đất trúng đấu giá nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được chuyển nhượng trên thực tế.

Chia sẻ với PV Lao Động, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc người trúng đấu giá chưa thực hiện hết quyền và nghĩa vụ tài chính đã sang tay cho người khác có rất nhiều rủi ro và thậm chí là trốn thuế.

Các lô đất vừa trúng đấu giá được bán chênh so với số tiền trong giấy công nhận trúng đấu giá từ vài chục đến vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng.

Để hợp thức hóa giao dịch này, bên trúng đấu giá sau khi thương lượng, nhận được đủ tiền chênh lệch sẽ viết giấy ủy quyền định đoạt cho bên mua. Bên mua mang giấy ủy quyền đó đi thực hiện nghĩa vụ tài chính, đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Chúng ta rất dễ phát hiện giao dịch lướt cọc, trốn thuế thông qua giấy ủy quyền, đối chiếu thông tin người trúng đấu giá và người thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Khi hành vi này được kiểm soát, sẽ giảm tình trạng thổi giá đất” - luật sư An nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho biết, việc mua bán sang tay đất đấu giá đã tạo ra thị trường sơ cấp, thứ cấp liên quan đến đất đấu giá. Cần phải kiểm soát các nguồn thuế từ lợi nhuận của các hoạt động mua đi bán lại đất đấu giá để tránh thất thu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn