MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cao tốc Liên Khương - Đà Lạt ở tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Phan Tuấn

Cao tốc Tân Phú - Đồng Nai vướng đất rừng

Minh Đạo LDO | 28/07/2023 13:18

Tuyến cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) dự kiến khởi công vào tháng 9.2023. Tuy nhiên, hiện nay, các địa phương đang gặp khó khăn vướng mắc bởi quy định tại Nghị định 156 của Chính phủ về việc thực hiện Luật Lâm nghiệp.

Ngày 28.7, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, ông Võ Danh Tuyên cho biết, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì Hội nghị trực tuyến cùng Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo UBND 24 tỉnh, thành về việc tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực lâm nghiệp để thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông vận tải.

Tại hội nghị này, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã nêu những khó khăn vướng mắc trong việc điều chỉnh hướng tuyến cao tốc ở địa phương.

Mặc dù, việc điều chỉnh hướng tuyến đã giảm diện tích tác động đến rừng nhưng địa phương phải trình xin Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì mới thực hiện được dự án.

“Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị đã đề nghị địa phương có báo cáo gửi Bộ để tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ” - ông Võ Danh Tuyên cho biết.

Theo Quyết định 1384 ngày 10.11.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) có tổng chiều dài 66km.

Trong đó, cao tốc này đi qua địa phận Đồng Nai khoảng 11km, Lâm Đồng khoảng 55km. Diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hơn 186ha (rừng tự nhiên 126,37ha, rừng trồng 59,85ha).

Cụ thể, Lâm Đồng 144,78ha (rừng tự nhiên 123,29ha, rừng trồng 21,49ha); Đồng Nai 41,47ha (rừng tự nhiên 3,08ha, rừng trồng 38,36ha).

Tổng diện tích rừng nêu trên đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất với ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản 660 ngày 22.7.2022.

Theo ông Võ Danh Tuyên, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc gặp khó khăn về điều chỉnh thay đổi địa điểm, vị trí cục bộ hướng tuyến do phần lớn diện tích đất thực hiện dự án nằm trên đất lâm nghiệp. Vì vậy, để thực hiện, mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng tiến độ hoàn chỉnh hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.

Cũng theo ông Tuyên, tại tỉnh Đồng Nai, đại diện liên danh nhà đầu tư cho biết, việc chấp nhận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế và thủ tục liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng Vũ Đình Cường cho rằng, việc chuyển tuyến, giảm taluy dương sang taluy âm nhằm giảm tác động đến rừng nhưng phải thực hiện đúng văn bản quy phạm pháp luật. Khó khăn là liên quan đến thủ tục hồ sơ trong chuyển mục đích sử dụng rừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn