MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cấp tốc cắm mốc giới để ngăn rừng Sóc Sơn bị "xẻ thịt". Ảnh: Cao Nguyên

Cấp tốc cắm mốc giới ngăn rừng Sóc Sơn bị "xẻ thịt"

Cao Nguyên - Lan Nhi LDO | 11/08/2023 18:53

Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Hà Nội đã có 6 văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, UBND các xã xử lý dứt điểm vụ việc vi phạm xây dựng, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Cụ thể, ông Lê Minh Tuyên - Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NNPTNT Hà Nội) - thông tin, ngày 9.8.2023, Chi cục đã có văn bản báo cáo Sở NNPTNT về tình hình san ủi và xây dựng trái phép trên đất rừng tại địa bàn huyện Sóc Sơn.

Ông Tuyên cho hay, đây không phải là lần đầu tiên Sở NNPTNT đề nghị huyện Sóc Sơn xử lý các sai phạm về đất lâm nghiệp.

Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, Sở NNPTNT đã có 6 văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, UBND các xã xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm.

Tình trạng vi phạm xây dựng vẫn tái diễn ở khu vực hồ Đồng Đò (Sóc Sơn). Ảnh: Lan Nhi

Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 29.5.2008 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt dự án điều chỉnh quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn, toàn bộ đất rừng ở Sóc Sơn có 4.445 ha.

Trong đó, huyện Sóc Sơn quản lý khoảng 2.300 ha, diện tích còn lại do Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (Sở NNPTNT Hà Nội) quản lý. Sau này, UBND TP Hà Nội có quyết định giao toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp cho Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Giai đoạn năm 2020 - 2021, huyện Sóc Sơn mới bàn giao đợt 1 được khoảng 1.150 ha, còn khoảng 1.200 ha chưa bàn giao. TP Hà Nội đã có chỉ đạo huyện Sóc Sơn phải xử lý tất cả các tồn tại về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trật tự xây dựng... xong mới được bàn giao.

Toàn bộ đất rừng ở Sóc Sơn là 4.445 ha. Ảnh: Cao Nguyên

Theo ông Lê Minh Tuyên, tại huyện Sóc Sơn, khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) và hồ Ban Tiện (xã Minh Phú) là những nơi đang diễn ra hoạt động xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp khá nghiêm trọng. Phần lớn diện tích đất này đang thuộc quyền quản lý của huyện, chưa bàn giao về cho Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Do đó, địa phương cần đẩy nhanh việc rà soát, cắm mốc ranh giới và xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng trái phép theo đúng quy định. Nếu không giải quyết được mấu chốt này, thì việc "xẻ thịt" rừng Sóc Sơn vẫn sẽ tái diễn.

Nhiều trường hợp xây dựng nhà cửa, khu nghỉ dưỡng trái phép vẫn tái diễn, xâm phạm nghiêm trọng rừng ở Sóc Sơn. Ảnh: Cao Nguyên

Tại buổi làm việc với PV Lao Động trước đó, ông Phạm Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, phân tích nguyên nhân xảy ra vi phạm đất đai, xây dựng tại khu vực hai xã Minh Trí, Minh Phú là do hồ sơ quản lý đất đai của huyện không đầy đủ, chưa được lập hệ thống hồ sơ địa chính theo quy định (chỉ có duy nhất bản đồ địa chính đo đạc năm 1993), không có sổ mục kê khi đo đạc bản đồ địa chính, chưa được đo đạc bản đồ địa chính theo đất rừng dẫn đến xảy ra nhiều khó khăn, bất cập trong việc quản lý, xử phạt trong quy hoạch rừng.

Loạt lâu đài, biệt thự ngang nhiên xây dựng ven hồ Đồng Đò (Sóc Sơn). Ảnh: Cao Nguyên

Đáng chú ý, trên 200 hộ dân trên đây được di dời theo chủ trương của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn, khi xây dựng kinh tế mới không được tách rời khỏi quy hoạch rừng điều chỉnh năm 2008. Khi các hộ dân xây dựng nhà ở trên đất này thì bị xác định là vi phạm đất đai, vi phạm xây dựng.

UBND huyện đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác rà soát đánh giá hiện trạng rừng, thống kê những bất cập trong quy hoạch rừng năm 2008 và tổng hợp, đề xuất UBND TP Hà Nội điều chỉnh quy hoạch rừng trước ngày 31.12.2023.

UBND huyện Sóc Sơn đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội nhanh chóng đo đạc, cắm mốc giới lòng hồ để phục vụ công tác quản lý, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

6 tháng đầu năm 2023, huyện Sóc Sơn đã kiểm tra 478 trường hợp, phát hiện 187 trường hợp vi phạm xây dựng, lập hồ sơ xử lý, trong đó chủ yếu là ở xã Minh Phú và Minh Trí, đây là 2 điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng.

Ngoài ra, xử lý được 149 trường hợp vi phạm tồn đọng từ năm 2022 trở về trước và vi phạm theo các quyết định, kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn