MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên thị trường hiện nay đang rất ít. Ảnh: Phan Anh

CEO BIG4 nói về gói 120.000 tỉ đồng

Trà My LDO | 03/05/2023 19:32

Các chuyên gia nhận định, dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên thị trường hiện nay đang rất ít trong khi nhu cầu sở hữu nhà ở phân khúc này lại vô cùng lớn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: “Vietcombank cùng 3 ngân hàng thương mại nhà nước khác cam kết là ngay sau khi Bộ Xây dựng ban hành được bộ tiêu chí để xác định thế nào là nhà ở thương mại trung bình, thấp thì chúng tôi sẽ ngay lập tức vào cuộc để tài trợ cho vay mua nhà trong gói 120.000 tỉ đồng”.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp tín dụng, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank - cho biết, vướng mắc lớn nhất với gói 120.000 tỉ đồng là việc chưa có dự án để cho vay. “Chúng tôi mong muốn có dự án để tăng trưởng tín dụng nhưng lại vướng mắc” - bà Bình nói.

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV - cho biết: “BIDV đã triển khai tới các chi nhánh, nhưng hiện Bộ Xây dựng giao cho UBND các tỉnh công bố danh mục dự án, trên cơ sở đó mới tiếp cận để triển khai cho vay, do đó quá trình không thể nhanh được, cần thêm nhiều thời gian.

Hiện tại các ngân hàng rất muốn cho vay nhưng các dự án đều vướng mắc nên các ngân hàng gặp khó khăn, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm như thời gian qua”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư kí Hiệp hội Ngân hàng - cho rằng, gói tín dụng 120 nghìn tỉ đồng là sự chủ động của các ngân hàng thương mại và cũng định hướng rất rõ ràng là sẽ dành cho phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thời điểm này muốn làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thì chủ đầu tư phải có quỹ đất, quy hoạch hạ tầng đầy đủ. Trong khi đây lại đang là trở ngại do thời gian qua rất nhiều dự án "nghẽn" do "vấp" phải thủ tục pháp lí và còn nhiều bất cập.

Không chỉ có gói 120.000 tỉ đồng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành liên tiếp hai thông tư gỡ khó cho thị trường. Thông tư 02 cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp và người dân.

Thông tư 03 sửa đổi điều 4 của Thông tư 16 về trái phiếu doanh nghiệp đã hỗ trợ thị trường. Đây là nỗ lực của ngành ngân hàng. Ngân hàng có chính sách miễn giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn trước mắt 2023 - 2024. Big4 cam kết có gói hỗ trợ lãi suất lên tới 120.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi với nhà thu nhập trung bình, thấp.

Bình luận về Thông tư 02, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng “Việc Ngân hàng Nhà nước khẩn trương ban hành liên tiếp 2 Thông tư nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp là động thái chính sách cần thiết và kịp thời.

Mục tiêu là nhằm giảm bớt khó khăn về nghĩa vụ tài chính, đặc biệt là các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp, giúp người dân và doanh nghiệp dùng tiền đó vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.

Đồng thời, việc giãn nợ sẽ giúp bảo đảm khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp, cho phép họ không phải chuyển nhóm nợ, từ đó thúc đẩy sản xuất đầu tư, kinh doanh và tiêu dùng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn