MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Môi giới bất động sản thiếu chuyên nghiệp khiến cho thị trường rơi vào tình trạng “găm” đất, thổi giá, tạo sốt ảo, gây lũng đoạn thị trường. Ảnh: B.C

Chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản: Cần chứng chỉ hành nghề, mã số định danh

Bảo Chương LDO | 10/03/2022 07:54

Sự thiếu chuyên nghiệp đã dẫn đến một bộ phận môi giới bất động sản sa đà vào những hành vi như “găm” đất, thổi giá, tạo sốt ảo, gây lũng loạn thị trường, khiến nhiều người sập bẫy. Để thật sự tiến tới chuyên nghiệp và kiểm soát được hoạt động của môi giới, cần cấp chứng chỉ hành nghề, mã số định danh, đưa ra những ràng buộc trách nhiệm đối với những người làm môi giới bất động sản. 

Đủ chiêu trò

Clip một công ty dàn cảnh bán đất mà như "chạy giặc" gây sốt ở Bình Phước là một ví dụ. Trong mấy ngày gần đây, clip “độc lạ” về việc một công ty bất động sản tổ chức bán đất ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước gần như phủ kín mọi trang mạng. Trong clip hàng chục xe ôtô nối đuôi dài, một dãy rạp được dựng trên một khu đất trống. Tiếng nhạc xập xình, nhiều môi giới nam nữ mặc vest chạy như thục mạng để kịp báo cho cô MC chốt cọc cho khách. Chỉ trong vài phút cả chục lô đất đã được khách đặt cọc.

Nhiều người cho rằng sau Tết đất bỗng dưng sốt. Tuy nhiên, sau khi xem video, người dân địa phương không khỏi ngạc nhiên. Người dân địa phương cho biết, nếu có xảy ra giao dịch thì là người dân ở các tỉnh khác về mua chứ người dân ở đây không ai mua đất này vì diện tích quá nhỏ, không phù hợp với việc trồng trọt, chăn nuôi. Về việc gần đây có các nhóm người tập trung về Lộc Khánh và các xã lân cận để mua đất nông nghiệp phân lô bán, chính quyền địa phương cho rằng có liên quan dự án bị quy hoạch treo hơn 10 năm nay. Hiện tỉnh Bình Phước đang tính phương án để tái thực hiện hoặc thu hồi đất thực hiện các dự án khác. Tuy nhiên UBND xã Lộc Khánh cho biết mọi thông tin vẫn đang còn trong quá trình bàn thảo chưa phải là chính thức. Theo thông tin tìm hiểu thì đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc tổ chức mua bán như vậy ở khu vực xã Lộc Khánh. Việc một số đơn vị môi giới tung chiêu trò sốt đất ảo đang khiến vùng quê nghèo không còn bình yên.

Câu chuyện môi giới ở Bình Phước chỉ một trong số những vấn đề điển hình cho thực trạng ngành môi giới hiện nay. Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cả nước hiện có gần 75.000 nhân viên môi giới nhà đất, nhân viên môi giới tự do, nhưng hầu hết đều thiếu kiến thức căn bản của người làm môi giới. Theo ước tính của VARS, hiện chỉ 10% số môi giới bất động sản có chứng chỉ hành nghề. Đặc biệt, sự thiếu chuyên nghiệp đã dẫn đến một bộ phận môi giới bất động sản sa đà vào những hành vi chưa chuẩn mực như “găm” đất, thổi giá, tạo sốt ảo, gây lũng loạn thị trường. Nhiều môi giới còn tiếp tay cho chủ dự án lừa đảo khách hàng, gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới các chủ đầu tư chân chính.

Mặt khác, do một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động môi giới hiện nay còn khá lỏng lẻo dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân môi giới có cơ hội “lách luật” trốn thuế, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng khi tư vấn không đúng, tư vấn cho xong để kiếm tiền, thậm chí còn lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn “sốt ảo” để trục lợi. 

Chấn chỉnh

Những quy định mới tại Nghị định 16/2022 có hiệu thực thi hành từ ngày 28.1.2022, thay thế Nghị định 139/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản… theo hướng tăng nặng các hình phạt được nhiều người đánh giá là có đủ sức răn đe lực lượng môi giới. 

Cụ thể, với những hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết thời hạn sử dụng theo quy định; tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ hành nghề môi giới làm sai lệch nội dung chứng chỉ; cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản… có thể bị phạt tiền từ 40-60 triệu đồng.

Mức phạt tiền từ 120-160 triệu đồng áp dụng đối với một trong các hành vi như kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định, hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định, hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng…

Mức phạt cao nhất là 200-250 triệu đồng áp dụng đối với hành vi không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới; bất động sản được đưa lên sàn giao dịch bất động sản nhưng không đủ điều kiện theo quy định.

Ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam - đánh giá, Nghị định 16/2022 là bước tiến để hoạt động môi giới bất động sản trở nên chuyên nghiệp hơn, người hoạt động trong lĩnh vực này được quản lý trong môi trường chính quy hơn. Những quy định mới cũng giúp giảm thiểu các vi phạm trong hoạt động môi giới bất động sản.

Tuy nhiên để thật sự tiến tới chuyên nghiệp và kiểm soát được hoạt động của môi giới thì cần cấp chứng chỉ hành nghề, mã số định danh và đưa ra những ràng buộc trách nhiệm đối với những người làm môi giới bất động sản. Bởi lẽ, khi ra phòng công chứng, môi giới phải để lại mã số hành nghề, sau này giao dịch có sai lệch, không đúng quy định… thì môi giới đó sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới, từ đó giảm thiểu được lực lượng "cò" đất, môi giới không chuyên nghiệp - ông Lâm nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn