MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vẽ dự án biệt thự nghỉ dưỡng Sun Valley rồi phân lô bán nền tại Lâm Đồng. Ảnh: Đỗ Nguy

Chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan giúp nhà đầu tư thoả mãn nhu cầu

CAO NGUYÊN LDO | 25/11/2021 10:38

Trước tình trạng người dân lách luật, tách thửa, phân lô, bán nền tràn lan, nhiều tỉnh đã lên kế hoạch, ban hành quy định mới nhằm siết lại tình trạng này.

Theo thống kê của tỉnh Vĩnh Phúc, việc chia tách thửa từ một thành nhiều mảnh trên địa bàn diễn ra theo chiều hướng gia tăng. Tính từ ngày 1.1.2020 đến ngày 30.4.2021, riêng huyện Tam Dương thực hiện chia tách gần 1.000 thửa đất thành gần 3.400 thửa đất với tổng diện tích hơn 1,1 triệu m2.

Không chỉ riêng địa bàn huyện Tam Dương, các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng ghi nhận số lượng tách thửa tăng cao. Chỉ tính từ tháng 1.2020 đến ngày 20.4.2021, đã có 3.882 thửa được tách. Đáng chú ý, có trường hợp một hộ dân có đất tách từ 1 thửa thành 82 thửa mới.

Trước tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quy định mới nhằm "siết" lại tình trạng phân lô, bán nền bằng nhiều cách như: Trích lục bản đồ từng thửa đất phù hợp quy hoạch, siết diện tích và yêu cầu mặt tiền... đặc biệt sẽ xét mục đích tách thửa đất.

Theo đó, đối với trường hợp chia tách thửa đất để thừa kế, hiến tặng cho người trong gia đình (không đầu tư hạ tầng, không phân lô và không chuyển nhượng kinh doanh bất động sản) thì văn phòng đăng ký đất đai thực hiện theo nhu cầu của người sử dụng đất.

Đối với trường hợp đã chia tách đất, có xây dựng đường giao thông và có dấu hiệu kinh doanh bất động sản, hiện trạng thửa đất được phân lô chưa hoàn thiện các hệ thống hạ tầng theo quy định thì tạm dừng cấp quyền sử dụng đất.

Cũng về việc này, UBND tỉnh Quảng Ninh có yêu cầu khắt khe hơn đối với việc tách thửa.

Theo đó, từ ngày 15.8.2021, Quảng Ninh sẽ không cho phép tách thửa đối với đất ở và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; đất nông nghiệp là đất vườn ao, đất trồng cây lâu năm, trồng cây hàng năm trong cùng thửa đất có nhà ở; đất trồng cây phù hợp quy hoạch sử dụng đất là đất ở và tiếp giáp với thửa đất có đất ở hoặc nhà ở đủ điều kiện công nhận đất ở mà diện tích các thửa đất sau khi tách thửa nhỏ hơn 45m2, chiều rộng và chiều sâu nhỏ hơn 4,5m (không kể diện tích lối đi và phần đất dành cho hạ tầng kỹ thuật…).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng quy định, với đất trồng cây hàng năm, đất làm muối, diện tích các thửa đất sau khi tách thửa không nhỏ hơn 500m2; đất nuôi trồng thuỷ sản không nhỏ hơn 1.000m2; đất trồng cây lâu năm không nhỏ hơn 1.000m2; đất rừng sản xuất không nhỏ hơn 3.000m2.

Tỉnh Lâm Đồng cũng áp dụng quy định mới về điều kiện tách, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu đối với từng loại đất.

Theo các chuyên gia bất động sản, hiện tượng phân lô tách thửa tại các địa phương xuất phát từ nguyên nhân thị trường thiếu nguồn cung.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho rằng, do không có nguồn hàng nên nhà đầu tư đi săn lùng gom đất đai của dân vừa là đất nhà ở, vừa là đất kinh tế "lách luật" chia lô tách thửa, tạo ra nguồn hàng, giúp nhà đầu tư thoả mãn nhu cầu.

Để giải quyết tận gốc vấn đề trên, ông Đính cho rằng, các địa phương cần đẩy nhanh hơn, mạnh hơn chiến lược phát triển nhà ở. Nhà nước cần nhanh hơn, điều chỉnh ban hành quy định của pháp luật, dỡ những rào cản phát triển bất động sản để cung cầu phát triển cân đối, phát triển kinh tế, đô thị bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn