MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều mảnh đất ở có diện tích vượt hạn mức đang rao bán rầm rộ. Ảnh chụp màn hình.

Chật vật vì đất ở được giao quá nhiều

ANH HUY LDO | 05/05/2023 07:18

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay vẫn tồn tại nhiều chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) vượt hạn mức, từ 400m2 đến hàng nghìn m2, tập trung nhiều ở các huyện ngoại thành. Việc giao đất vượt hạn mức gây khó khăn trong thực hiện quyền của người sử dụng đất và giải phóng mặt bằng đầu tư dự án.

Theo quy định của Hà Nội, hạn mức giao đất ở tối đa với các xã thuộc huyện miền núi là 300m2, các phường là 90m2.

Phản ánh của người dân tại một số huyện ngoại thành Hà Nội cho biết, họ đang gặp khó khăn thậm chí thiệt thòi trong việc tách sổ khi đất ở được giao vượt quá hạn mức.

Điển hình, ông N.V.H. (xã Hồng Kỳ, Sóc Sơn) cho biết, năm 1960, gia đình ông di cư từ huyện Đông Anh lên Sóc Sơn để khai hoang vùng kinh tế mới và được Nhà nước cấp đất đồi để ở, canh tác.

Từ đó đến nay, gia đình ông ở ổn định trên mảnh đất này. Để giữ đất, ông H. đã đầu tư kinh phí xây tường gạch bao quanh thửa đất của gia đình.

Năm 2005, ông H. đã kê khai và hoàn thành các khoản chi phí hết 12 triệu đồng để được cấp sổ đỏ cho toàn bộ diện tích đất đang ở là 1.500m2. Tại sổ đỏ có số hiệu 631778.

Tuy nhiên, việc tách sổ để chia đất cho con cái lại không hề đơn giản. Từ sổ đỏ gốc trên, ông H. đã lần lượt tách sổ đỏ để chia cho hai con. Song khi làm thủ tục sang tên, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội huyện Sóc Sơn giải thích, sổ cũ của ông cấp vượt hạn mức, nên khi làm sổ mới phải trở về hạn mức theo quy định 300m2. Trước tình hình như vậy, ông H. đến nay vẫn chưa thể tách sổ và chờ hướng dẫn để không bị thiệt thòi.

Được biết, trước thời điểm có khái niệm về hạn mức, chứng nhận quyền sử dụng đất ở được cấp theo nguyện vọng. Do đó, có nhiều sổ diện tích lớn.

Chia sẻ với Lao Động, một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn (Hà Nội) nói rằng, việc đất ở vượt hạn mức đang gây ra những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng dự án.

Theo đó, nếu bồi thường đúng diện tích đất ở ghi trên giấy chứng nhận thì không phù hợp, còn bồi thường theo hạn mức quy định thì các hộ dân không đồng ý phối hợp.

 Nhiều mảnh đất vượt hạn mức cho phép đang rao bán. Ảnh chụp màn hình.

Trong buổi làm việc với cử tri huyện Sóc Sơn mới đây, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Cường cho biết, không thể có cơ chế chung ban hành để xử lý toàn bộ các trường hợp này.

Theo vị này, giải pháp là huyện phân loại, giao thanh tra huyện thanh tra từng đợt. Cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để tháo gỡ vấn đề này.

Cũng tại buổi làm việc với cử tri huyện Sóc Sơn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cam kết sẽ từng bước giải quyết vấn đề này, trước hết sẽ lập đoàn thanh tra để rà soát lại liên quan tới từng sổ cấp sai, sau đó đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Theo thông tin từ huyện Sóc Sơn, trên địa bàn huyện có 12.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp vượt hạn mức đất ở. Phần lớn, những giấy chứng nhận này được cấp giai đoạn 2012 trở về trước. Cụ thể: Từ năm 1993 - 2000 cấp 3.000 giấy chứng nhận; từ năm 2005 - 2012 cấp 9.000 giấy chứng nhận. Các hộ dân đều có nguồn gốc sử dụng đất trước năm 1980.

Đại diện huyện Sóc Sơn cho biết, UBND huyện đã vận động được 1.000 hộ dân tự nguyện điều chỉnh về hạn mức đất ở theo đúng quy định. Còn 11.000 giấy chứng nhận chưa được xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn