MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chi 3 tỉ đồng làm chốn nghỉ dưỡng chạm mây, tựa núi ở Sa Pa

ANH HUY LDO | 21/01/2023 08:51

5 năm trước, lần đầu ghé thăm bản Tả Van, vợ chồng chị Trang thấy mê mẩn trước ngôi nhà cũ của người Mông nên quyết định mua lại và đầu tư, cải tạo thành không gian nghỉ dưỡng đẹp mê giữa vùng sơn cước.

Nằm ở bản Tả Van - một địa điểm du lịch nổi tiếng của thị xã Sapa (tỉnh Lào Cai), căn nhà gỗ 2 tầng bình dị với thế tựa núi, chạm mây đã trở thành “tổ ấm” thứ hai của gia đình chị Nguyễn Minh Trang (35 tuổi, sống ở Hà Nội) suốt nhiều năm nay.

Cách đây 5 năm, chị Trang cùng chồng có chuyến đi ghé thăm Tả Van lần đầu tiên. Vì quá mê mẩn trước ngôi nhà cũ trên bản của người Mông, anh chị quyết định chi khoảng 3 tỉ đồng để mua đất và sửa sang, cải tạo nhà thành không gian nghỉ dưỡng đẹp mắt.

Suốt mùa dịch vừa qua, căn nhà gỗ bình dị đã trở thành chốn thư giãn lý tưởng của gia đình, người thân và bạn bè chị Trang mỗi dịp cuối tuần. Đến đây, ai nấy đều thấy tinh thần được giải tỏa và vơi bớt cảm giác “cuồng chân” sau thời gian dài phải hạn chế đi lại vì COVID-19.

Trong nhà, không gian sinh hoạt được chia rất phù hợp. Ảnh: Minh Trang.

Chị Trang vốn làm trong lĩnh vực thiết kế nội thất. Vì hạn chế về mặt khoảng cách, lại bận rộn công việc thường xuyên nên chị tự lên ý tưởng làm đồ đạc, vật dụng và thi công tại Hà Nội rồi vận chuyển lên Tả Van để hoàn thiện công trình.

Các khu vực chức năng đều được thiết kế theo tiêu chí đơn giản, dân dã nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ công năng và mang đến cảm giác ấm cúng, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên tại bản Tả Van.

Phòng khách được bài trí tối giản với bộ bàn ghế đậm chất truyền thống. Xung quanh, gia chủ trang trí khéo léo một số họa tiết thổ cẩm, tạo điểm nhấn cho không gian ấn tượng hơn.

Nhà vệ sinh được bố trí riêng biệt ở một góc sân sau, đáp ứng các tiêu chí như gọn gàng, sạch sẽ và hài hòa, gần gũi với thiên nhiên một cách tối đa.

Khắc phục hạn chế về mặt diện tích, khu vực bếp được ưu tiên thiết kế khung cửa sổ to giúp không gian không bị ám mùi và luôn mát mẻ, thoáng sáng. Ảnh: Minh Trang.

Dù đang sinh sống tại Hà Nội nhưng mỗi dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ dài ngày, gia đình chị Trang lại vượt cả trăm cây số về đây để tận hưởng cuộc sống an yên, tách biệt hoàn toàn với phố thị.

Những ngày khác, căn nhà cũng là nơi để bạn bè, người thân của gia đình chị lưu trú khi tới tham quan, trải nghiệm ở bản Tả Van.

Người phụ nữ 35 tuổi chia sẻ thêm, bản Tả Van nằm gần một số bản làng du lịch nổi tiếng khác ở Sa Pa như Tả Phìn, Cát Cát, Sín Chải... Tới đây, du khách có thể trực tiếp trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của người bản địa, khám phá bãi đá cổ và cung đường đi Cầu Mây hay chiêm ngưỡng thung lũng Mường Hoa,...

Đặc biệt, ghé thăm bản Tả Van, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn ngon và đặc sản nức tiếng như cá suối nướng Mường Hum, thắng cố ngựa, lợn cắp nách Bắc Hà, xôi ngũ sắc,… Vào những dịp lễ, Tết, vợ chồng chị Trang cũng thường sắp xếp thời gian để không bỏ lỡ những sự kiện văn hóa cộng đồng ấn tượng tại Tả Van.

Ngôi nhà được đặt tên là An An với ngụ ý về cuộc sống an nhiên, bình dị cũng như tính cách thân thiện của bà con dân tộc nơi đây. Ảnh: Minh Trang.

Kể từ khi “tậu” ngôi nhà thứ 2, chị Trang cảm thấy cuộc sống thêm lạc quan và luôn tràn đầy năng lượng tích cực. Với chị, ngôi nhà không chỉ là chốn nghỉ dưỡng, thỏa mãn đam mê tìm hiểu văn hóa các dân tộc Việt mà còn mang lại giá trị nhân văn khi nhận được nhiều sự yêu thương, quý mến từ những người dân bản tốt bụng, thân thiện.

“Mỗi khi mình về đây, bà con hàng xóm lại đến chơi, quây quần rất ấm cúng. Họ còn mời ăn cơm nữa, yêu quý gia đình mình như người thân, anh em. Để đáp lại ân tình ấy, những lần người dân ở bản xuống Hà Nội thăm khám, mình đều nhiệt tình đón tiếp và hỗ trợ trong khả năng”, chị Trang bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn