MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sáng 17.2. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chỉ đạo của Thủ tướng mang đến kỳ vọng lớn cho thị trường bất động sản

ANH HUY LDO | 17/02/2023 20:08

Nhiều chuyên gia hoàn toàn tâm đắc và ủng hộ với những ý kiến phát biểu, chỉ đạo của Thủ tướng trong hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” ngày hôm nay 17.2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”.

Hội nghị kết thúc tốt đẹp, được đánh giá cao và mang lại sự kỳ vọng lớn cho thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian tới.

Chia sẻ với Lao Động, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, trong hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thấu hiểu được những khó khăn của doanh nghiệp, thị trường bất động sản hiện nay.

Thủ tướng cũng đã phân ra trách nhiệm Nhà nước cho các cơ quan để thời gian tới tập trung vào có những giải pháp nhằm tháo gỡ. Trước tiên là cho phép giãn nợ, khi giãn nợ tức không có nợ xấu, lúc này doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay mới và phát triển thị trường.

Ông Châu nói, vấn đề tín dụng là then chốt cũng đã được Thủ tướng nhắc đi nhắc lại nhiều lần và quan tâm chỉ đạo trong hội nghị. Một chuyện nữa là trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng xác định rõ.

Ngoài ra trách nhiệm của doanh nghiệp cũng đóng vai trò rất lớn bởi lẽ doanh nghiệp là người thụ hưởng và cũng là người có phần trách nhiệm tình hình thị trường hiện nay.

“Khi thị trường khó khăn thì phải có nhiều bên cùng nhau tháo gỡ chứ không thể nói một bên nào. Chính vì vậy, sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng như trong hội nghị sẽ giúp cho các doanh nghiệp có một điểm tựa, bàn đẩy phát triển thị trường…”, ông Châu nhấn mạnh thêm.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA. Ảnh: Nhật Bắc.

Trong khi đó, PGS.TS, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói rằng, như vậy là Thủ tướng đã nói rõ và chỉ ra được rất nhiều vấn đề trong câu chuyện mà thị trường BĐS đang trong giai đoạn khó khăn. Thậm chí, Thủ tướng còn hỏi lại về giá BĐS có cao không?.

Thực tế, theo ông Thịnh giá BĐS của Việt Nam đang ở mức cao so với thu nhập trong khi các nước phát triển cũng cao nhưng không ở mức như Việt Nam.

Thời gian qua, hệ thống ngân hàng cũng cho vay mạnh nhưng giá BĐS đẩy quá cao nên người mua không tiếp cận được thì dòng tiền không luân chuyển. Như vậy sức khỏe của doanh nghiệp cũng yếu đi.

“Thị trường chứng khoán giảm thì vốn hóa của doanh nghiệp BĐS cũng giảm, như vậy tài sản thế chấp của doanh nghiệp cũng giảm đi để vay vốn. Có thể thấy mấy nguồn vốn cho doanh nghiệp BĐS gặp khó kéo theo sức khỏe của doanh nghiệp yếu đi.

Trước việc này thì Thủ tướng đã nhấn mạnh vào việc doanh nghiệp phải tái cấu trúc, giảm thiểu thị trường phân khúc cao cấp, tìm biện pháp đẩy mạnh phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Đây cũng là một gợi ý, biện pháp cho thị trường sắp tới”, ông Thịnh nhấn mạnh.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: Anh Huy

Vị chuyên gia này nói thêm những vướng mắc, khó khăn cho thị trường BĐS được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chỉ đạo rõ tại Hội nghị. Chính vì vậy, trong thời gian tới chúng ta mong chờ một làn sóng mới, sự thay đổi mới, diện mạo của thị trường này.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho rằng, hội nghị vừa rồi là để các doanh nghiệp phản ánh được những khó khăn, mong muốn và đề xuất và hy vọng Chính phủ, các ngân hàng cũng như các bộ ngành có mặt sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và ngành BĐS.

Ông Điệp nói rằng, hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Thủ tướng. Các đơn vị kinh doanh BĐS nên tự điều chỉnh, phải có trách nhiệm với chính mình, không ai giải cứu ai cả.

“Quan điểm của Thủ tướng rất đúng đắn khi cho rằng, BĐS bình đẳng với các ngành nghề, lĩnh vực khác, nếu nói mức độ quan trọng với nền kinh tế thì lĩnh vực nào cũng quan trọng.

Nếu cứ gặp khó khăn mà đòi ưu tiên, đòi giải cứu thì các ngành khác cũng phải ưu tiên. Lối thoát chính là bán được hàng, cung gặp cầu, nên tới đây các doanh nghiệp phải cân đối nguồn cung, giá cả…”, ông Điệp nhấn mạnh.

Và sau hội nghị này, ông Điệp hy vọng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương thì doanh nghiệp BĐS cũng đẩy mạnh tái cấu trúc, thúc đẩy khởi công xây dựng nhiều hơn các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, làm cho thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn trong tương lai.

Sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một số Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn