MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồ hoạ: Tuyết Lan

Chi phí tách thửa đất trồng cây lâu năm người dân cần biết

Thạch Lam (T/H) LDO | 06/01/2024 06:16

Việc thực hiện tách thửa đất trồng cây lâu năm có thể phải chịu các khoản phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Đất trồng cây lâu năm là gì

Căn cứ vào Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 thì đất trồng cây lâu năm là một trong những loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Ngoài đất trồng cây lâu năm thì nhóm đất nông nghiệp còn có đất trồng cây hàng năm, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất nông nghiệp khác, ...

Các loại cây lâu năm được hiểu là các loại cây được gieo trồng một lần nhưng chúng có thời gian sinh trường, phát triển và thu hoạch trong nhiều năm. Theo Phụ lục số 1 được ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 14.12.2018 quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm, bao gồm các loại sau:

- Cây công nghiệp lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm dùng làm nguyên liệu để sản xuất công nghiệp hoặc phải qua chế biến mới sử dụng được.

- Cây ăn quả lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm là quả để ăn tươi hoặc kết hợp chế biến.

- Cây dược liệu lâu năm là cây lâu năm cho sản phẩm làm dược liệu.

- Các loại cây lâu năm khác là các loại cây lâu năm để lấy gỗ, làm bóng mát, tạo cảnh quan (như cây xoan, bạch đàn, xà cừ, keo, hoa sữa, bụt mọc, lộc vừng...); kể cả trường hợp trồng hỗn hợp nhiều loại cây lâu năm khác nhau hoặc có xen lẫn cây lâu năm và cây hàng năm.

Theo đó, đất trồng cây lâu năm là loại đất chỉ được sử dụng cho mục đích trồng các loại cây lâu năm nêu trên mà không được sử dụng với mục đích khác. Nếu người sử dụng đất muốn sử dụng đất trồng cây lâu năm với mục đích khác thì phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật hiện hành.

Phí tách thửa đất trồng cây lâu năm

Khi thực hiện tách thửa đất trồng cây lâu năm, người dân có thể phải chịu các khoản phí, lệ phí dưới đây:

- Phí đo đạc tách thửa: Phí này sẽ được trả cho tổ chức dịch vụ đo đạc nên khoản tiền này tính theo giá dịch vụ.

- Lệ phí trước bạ.

Trong trường hợp tách thửa gắn với việc chuyển nhượng, tặng cho,… quyền sử dụng đất, người dân sẽ phải nộp thêm lệ phí trước bạ. Căn cứ Nghị định 10/2022/NĐ-CP và điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư 13/2022/TT-BTC:

Trường hợp 1: Giá đất tại hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho cao hơn giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành quy định:

Lệ phí trước bạ = 0,5% x (giá tại hợp đồng x m2)

Trường hợp 2: Giá đất tại hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng thấp hơn hoặc bằng giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành quy định:

Lệ phí trước bạ = 0,5% x (giá 1m2 x giá đất trong bảng giá đất)

- Phí thẩm định hồ sơ

Trường hợp nếu chỉ tách thửa mà không bán, chuyển nhượng hay tặng cho… thì không phải nộp khoản phí này.

Ngược lại, trường hợp tách thửa để chuyển nhượng, tặng cho sẽ phải nộp phí thẩm định hồ sơ chuyển nhượng, tặng cho. Khi đó, phí thẩm định hồ sơ do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành quy định nên mức thu khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn