MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người mua, khách hàng cần cẩn trọng với những chiêu trò của môi giới. Ảnh: Cao Nguyên

Chiêu trò lùa khách hàng của môi giới bất động sản

ANH HUY LDO | 11/03/2024 08:43

Bên cạnh những tin rao bán nhà rõ ràng về hình ảnh, vị trí, giá bán thì cũng có không ít những quảng cáo bất động sản lấp lửng, thiếu trung thực. Có hiện tượng môi giới bất động sản móc ngoặc "chăn dắt" khách hàng, đẩy người có nhu cầu thực vào thế khó khăn.

Vài tháng nay, cuối tuần nào vợ chồng anh Nguyễn Đức Hùng (45 tuổi, trú quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đi tìm mua nhà. Đang ở nhà trong phố, vợ chồng anh gom góp tính bán hết tài sản để dồn tiền mua nhà liền kề tại khu đô thị hiện đại.

Tìm hiểu một số căn liền kề tại các dự án ngoại ô phía tây Hà Nội như Geleximco, Lideco, Hinode Park hay khu đô thị An Lạc Green Symphony…, anh Hùng được nhiều môi giới chào mời nhiệt tình. Dù thế, đến nay, vợ chồng anh vẫn chưa chốt được căn nào.

"Không phải vợ chồng tôi khó tính, mà cứ ưng căn nào đến khâu cuối cùng trả giá, cảm giác như sắp mua được rồi thì môi giới lại báo… đã có người cọc.

Thậm chí, có những căn liền kề trên dưới 100m2 họ rao giá 9 tỉ đồng. Tôi trả tới 8,7 tỉ đồng nhưng chưa chốt được thì chỉ một vài hôm sau, 'cò' lại báo đã có khách chốt, chỉ chênh hơn vợ chồng tôi 50 triệu đồng, muốn mua lại thì phải trả lên 8,9 tỉ đồng" - anh Hùng tỏ ra bức xúc.

Cũng theo vị này, ít nhất có 3 lần vợ chồng anh bị mua hụt như vậy. Các tình tiết trong quá trình đàm phán đều tương tự nhau: Sau khi xem nhà, ưng ý, trả giá đến đoạn cuối chỉ còn chênh lệch nhau giữa hai bên mua bán khoảng 100 triệu đồng hoặc đã ở bước thỏa thuận bên mua hay bên bán chịu chi phí thì bỗng dưng bị "quay xe".

Lần gần đây nhất, cuối tháng 2.2024, anh Hùng chốt thỏa thuận mua một căn liền kề 120m2 ở khu D Geleximco với giá 12 tỉ đồng. Khi đến đặt cọc, cả chủ nhà và môi giới nói tăng thêm 300 triệu đồng mới bán vì thị trường đã "ấm" lên.

Không đồng ý trả thêm, khoảng 1 tuần sau, anh Hùng hỏi một môi giới khác về chính căn liền kề đó thì được báo chủ nhà rao bán giá thu về là 12,5 tỉ đồng nhưng thương lượng xuống không quá 12,3 tỉ đồng vì đã có người trả đến 12 tỉ đồng nhưng chủ chưa bán.

Hay để thu hút sự quan tâm của khách hàng trên mạng, môi giới Bùi Thị Thoa (29 tuổi, ở huyện Thạch Thất) rao bán bất động sản phù hợp nhu cầu khá nhiều người. Một lô đất ở Hà Nội có diện tích 95m2, giá hơn 1 tỉ đồng.

Đáng chú ý, mảnh đất được giới thiệu nằm gần trường đại học, ôtô vào tận nơi... Kèm theo tin rao bán là hình ảnh lô đất vuông vắn, vỉa hè rộng rãi nằm giữa hai nhà cao tầng đã được hoàn thiện.

Khi phóng viên Lao Động vào vai khách hàng hỏi mua, chị Thoa cho biết, lô đất này ở xã Yên Bình, Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội hơn 20km. Thực tế, đây là đất phân lô, xung quanh hoang vắng, không có nhà cửa. Ảnh quảng cáo được chị Thoa sưu tầm trên mạng, đăng lên nhằm câu khách.

Cũng chào bán lô đất 60m2 với giá 900 triệu đồng tại Hòa Lạc, nhưng môi giới Nguyễn Thị Trang (31 tuổi ở huyện Ba Vì) lại đánh dấu vị trí ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm khiến không ít người tò mò, liên hệ hỏi thông tin.

Những chiêu trò bán biệt thự hay tin rao bán nhà đất nêu trên khiến không ít người mua nhà bức xúc. Lý do về việc đăng thông tin không đúng sự thật, theo tìm hiểu của phóng viên là để thu hút sự chú ý của khách.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - nhìn nhận, trên thị trường đang có những môi giới dùng chiêu "thả mồi câu". Kịch bản thường thấy là đăng bán mảnh đất, căn nhà đẹp, giá rẻ không tưởng để thu hút sự quan tâm của khách.

Thậm chí, có những nhóm môi giới, chủ nhà và cả chủ đầu tư không ngần ngại "bắt tay" mua bán, có đưa ra công chứng để tạo giao dịch ảo, "tay trái" bán sang "tay phải" để "lùa" khách hàng.

Người mua nhà, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước các chiêu trò của môi giới bất động sản để tránh rơi vào tình trạng mất thêm tiền hay bị "kẹp" hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn