MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chờ đợi mòn mỏi đất nền không tăng giá, nhà đầu tư kiệt quệ vì dùng đòn bẩy

Phan Anh LDO | 22/06/2023 11:41

Thời điểm 2021-2022, "sốt đất nền" ở nhiều địa phương khiến nhà đầu tư ồ ạt dùng đòn bẩy tài chính, vay tiền để đầu cơ. Sau khi "ngắt cơn sốt", một số người ngậm đắng cắt lỗ, nhưng cũng có nhiều người cố gắng chờ đất hồi phục giá. Tuy nhiên đến nay, hoạt động mua bán vẫn rất ảm đạm.

Cuối năm 2021, khi lãi suất chưa tăng, giá bất động sản vùng ven liên tục nổi sóng nhờ câu chuyện trúng đấu giá các lô đất với giá cao. Nhà đầu tư và môi giới ồ ạt đổ về khiến đất nền vùng ven liên tục thiết lập đỉnh giá. Ảnh: Phan Anh

Tuy nhiên, đa phần những người mua ở thời điểm đó không có nhu cầu thực mà chỉ chờ lướt sóng kiếm lời. Tình trạng mua lướt sóng kiếm lời diễn ra thời gian dài khiến đất phân lô ngoại thành rơi vào tình trạng bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất.

Trước tình trạng rầm rộ phân lô, tách thửa, tháng 3.2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành văn bản 1685 đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp, trừ một số trường hợp cụ thể.

Sau văn bản này, Hà Nội gần như ngắt những cơn "sốt đất", giá bán giảm ở nhiều quận, huyện. Các điểm nóng đất nền ven đô một thời như Hoài Đức, Ba Vì, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm… ghi nhận giá bán giảm 10-30% so với quý IV năm trước, tùy vào vị trí và một số yếu tố khác.

Cuối tháng 4.2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành văn bản đề nghị UBND các quận huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chỉnh tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định. Văn bản mới này đã bãi bỏ văn bản ngày 22.3.2022 về việc tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên.

Văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được giới đầu tư kỳ vọng “cởi trói” giúp giao dịch đất nền sôi động trở lại, tuy nhiên thực tế việc mua bán đất nền vẫn rất ảm đạm. Ảnh: Phan Anh

Ghi nhận tại huyện Thạch Thất vào tháng 4.2022, lô đất tại 2 mặt tiền diện tích 70m2, tại xã Bình Yên được chào bán với giá 21 triệu đồng/m2. Đến nay, chủ đất hạ giá giảm còn 12,5 triệu đồng/m2.

Anh Quốc Bình - chủ mảnh đất này chia sẻ, sau khi chứng kiến bạn bè đầu tư thành công, anh vốn muốn lướt sóng để thu lời. Tuy nhiên vì "đón sóng muộn", lại tiếc rẻ không bán nên anh "ôm đất" đến nay.

"Tôi không phải dân chuyên đầu cơ đất, thấy bạn bè đầu tư thành công nên cũng tập theo. Sau khi giá đất giảm mạnh, không kịp ra hàng nên phải "ôm đất" đến giờ. Vì dùng đòn bẩy nên tôi khá chật vật. Hiện tại dù giảm giá sâu nhưng tôi vẫn chưa bán được. Tôi phải dùng tiền từ việc kinh doanh để trả lãi cho khoản đầu tư vào đất" - anh Bình nói.

Không chỉ tại Hà Nội, nhiều nhà đầu tư cũng “mắc kẹt” khi đầu cơ đất nền tại các tỉnh lân cận. Ảnh: Phan Anh

Ông Nguyễn Văn Phục (Tam Nông - Phú Thọ) cho biết đã dùng đòn bẩy tài chính mua mảnh đất ở cạnh nhà thời điểm "sốt giá".

"Mảnh đất này thời điểm 2019 giá chỉ 400 triệu đồng. Tuy nhiên đến đầu năm 2022, người ta mua đi bán lại nhiều, giá đẩy lên tới 1 tỉ đồng. Nhận thấy giá có thể còn tăng tiếp, tôi và vợ dùng tiền tích cóp, vay mượn thêm để mua. Tuy nhiên sau đó, giá đất giảm nhanh, môi giới cũng không hoạt động như trước. Ở xã tôi mấy văn phòng môi giới đất đai cũng đóng cửa hết. Tôi vốn muốn chờ giá tăng lên sẽ bán ngay, nhưng lúc này muốn bán cũng khó vì không ai hỏi. Chịu lãi ngân hàng không nổi nên vợ chồng tôi phải mượn họ hàng để trả" - ông Phục nói.

Trao đổi với PV Lao Động, anh Nguyễn Mạnh Dũng - nhân viên một công ty môi giới bất động sản tại Hà Nội - cho biết, tình trạng "lướt sóng muộn" đa số rơi vào những nhà đầu tư tay ngang.

"Vì không có kinh nghiệm nên nhóm nhà đầu tư tay ngang không tìm được đỉnh giá. Đặc biệt với những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính mà không muốn cắt lỗ, hoặc cắt lỗ không có người mua thì thời gian qua đúng là một cơn "ác mộng". Khách hàng của tôi khá nhiều người gửi gắm để ra hàng. Kể cả họ muốn đầu tư lúc này thì tôi vẫn khuyên nên sử dụng tiền nhàn rỗi" - anh Dũng nói.

Nhận định về động thái cho phép tách thửa trở lại của Hà Nội, ông Lê Đình Hảo - Giám đốc Kinh doanh khu vực miền Bắc của Batdongsan.com.vn cho rằng đây là một "tia sáng nhỏ" cho thị trường đất nền. Ông Hảo nhận định để thị trường đất nền phát triển bền vững hơn, cần các yếu tố trợ lực lớn hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn