MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chọn “chơi” với đặc khu để doanh nghiệp nội địa có cơ hội lớn

Minh Việt LDO | 23/05/2018 15:51

Đây có lẽ là góc nhìn cần phải nhắc tới vào lúc này, khi những cuộc tranh luận về chọn bỏ hay chọn chơi với mô hình đặc khu kinh tế đặc biệt tiếp tục nóng.

Bóng dáng nhà đầu tư chiến lược

Cuối tháng 4 vừa rồi, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã tiếp và làm việc với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (Cty IPP) và các nhà đầu tư (NĐT) đến từ Úc, Hàn Quốc…, để nghe doanh nghiệp (DN) này trình bày phương án đầu tư tại Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong.

Một con số đã được IPP cam kết, có thể lên tới 50 tỷ USD, để đầu tư xây dựng các hạng mục gồm: Kkhu vực du lịch, thành phố thông minh, khu dân cư và công nghiệp, sân bay, đường bộ, khu vực cảng. Thậm chí, IPP cũng đã đưa ra những đề xuất để tạo nên sự khác biệt mà Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong cần có, để tạo nên sức hút cho toàn vùng.

Nhưng, tất cả những gì ông Vinh có thể kết luận là ghi nhận và đánh giá cao những ý tưởng của Công ty IPP; đồng thời giao BQL Khu kinh tế Vân Phong tiếp thu, tổng hợp tất cả các ý tưởng của DN để bổ sung vào quy hoạch tổng thể đặc khu, trình Thường trực Tỉnh ủy, Chính phủ xem xét trong thời gian tới.

Trong số 3 địa điểm được chọn để xây dựng mô hình đặc khu kinh tế đặc biệt, Vân Phong có lẽ ít có chuyện để kể hơn cả. Ngay sau khi có kế hoạch thành lập Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong vào năm 2012, địa phương đã dừng lại mọi kế hoạch kêu gọi đầu tư vào khu vực quy hoạch dự án.

“Một số NĐT đã đến đặt vấn đề đầu tư, muốn trở thành NĐT chiến lược, nhưng chúng tôi trao đổi là sẽ phải chờ hoàn tất khung khổ pháp lý, để đảm bảo rõ ràng lợi ích và quyền lợi của NĐT”, ông Hoàng Đình Phi, Trưởng BQL Khu kinh tế Vân Phong chia sẻ.

Cũng phải nói thêm, ý tưởng biến vùng đất có địa thế đặc biệt này trở thành một địa điểm đầu tư với cơ chế đặc thù manh nha từ chính các NĐT nước ngoài cách đây gần 10 năm. Họ nhìn thấy cơ hội đặc biệt từ vị thế trên đường trung chuyển của các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng trên thế giới, một trong những vịnh tự nhiên tốt nhất vùng Đông Á, thuận lợi khu cảng nước sâu... Mọi việc đang phải chờ vào dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được bàn thảo tại nghị trường.

Vai trò của luật chơi vượt trội

Trong cuộc tọa đàm mới đây về mô hình đặc khu kinh tế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã nhắc tới một trong những mục tiêu mà mô hình này phải đạt được, đó là việc kêu gọi được những NĐT chiến lược.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng thẳng thắn, không phải cứ NĐT đổ nhiều tiền có thể gọi là NĐT chiến lược.

“Đó phải là những NĐT có những đề xuất, ý tưởng tham gia vào hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo nên những dự án mang tính lan tỏa, tạo động lực thu hút vốn đầu tư. Một số nơi như Vân Đồn đã có bóng dáng của NĐT chiến lược. Nhưng, nếu không có thể chế thực sự vượt trội, sẽ không thể có được những NĐT chiến lược thực sự”, ông Dũng nói.

Thực ra, ngay khi Vân Đồn có tên trong danh sách được chọn xây dựng mô hình đặc khu kinh tế, Quảng Ninh đã có ngay bứt phá trong kêu gọi đầu tư, tạo cơ chế thuận lợi cho các NĐT lớn. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Quảng Ninh luôn là ngôi sao sáng trong Bảng xếp hạng chỉ số PCI, với những đánh giá tích cực về sự năng động của chính quyền địa phương, những cải thiện mạnh mẽ trong thủ tục hành chính, mối quan hệ chính quyền và DN.

Sự xuất hiện của những NĐT tên tuổi tại Vân Đồn đã chứng tỏ cơ chế mà Quảng Ninh đang tạo ra đã hấp dẫn họ.

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: “Khi tôi đến Vân Đồn, tôi sửng sốt với tốc độ đầu tư hạ tầng của các DN tư nhân. Sân bay Vân Đồn khởi công vào năm 2015, giờ đã chuẩn bị đi vào khai thác thương mại, nhưng thông tin không nhiều. Nếu là vốn nhà nước thì thông tin chắc sẽ rầm rộ lắm. Có thể thay đổi tư duy không chỉ nhìn vào NSNN trong các dự án đầu tư hạ tầng”, ông Thiên nói.

Chưa kể, tốc độ hoàn thiện các dự án cơ sở hạ tầng kết nối Vân Đồn với các trung tâm kinh tế cũng rất đáng nể. Đây là cơ sở để Vân Đồn xóa dần mối nghi ngại về khả năng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, thiếu hụt các NĐT trong các lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao...

Sẽ không phải bàn về mối quan hệ tương đồng giữa cơ chế, chính sách và chất lượng vốn đầu tư, NĐT cũng như những rủi ro của mô hình đang được đưa vào thử nghiệm. Nhưng rõ ràng, thể chế phù hợp đang tạo nên một thế hệ mới những DN tư nhân trong nước đủ tầm chiến lược, có khả năng hiện thực hóa các ý tưởng đột phá.

Nhưng, ở cả 3 địa điểm đang được chọn xây dựng mô hình đặc khu lúc này, các kế hoạch đều vẫn ở thế chờ đợi thể chế chính thức, không chỉ về kinh tế mà còn về bộ máy chính quyền...

“Chúng ta cũng rút kinh nghiệm những khu không thành công trên thế giới nhưng cũng phải tận dụng cơ hội. Khi có vấn đề mới chúng ta có thể sửa chữa. Ngay cả như Hàn Quốc, trong 10 năm đã sửa Luật đến 6 lần. Vấn đề quan trọng hơn là thực thi, triển khai thực hiện là vấn đề rất quan trọng”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn