MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chung cư G4, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy. Ảnh: Cao Nguyên

Chủ đầu tư chung cư khó trây ỳ việc cấp sổ hồng cho người dân

Cao Nguyên LDO | 19/12/2023 14:30

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội rất nhiều dự án chung cư trây ỳ việc cấp sổ hồng cho cư dân đã về ở nhiều năm và hoàn thiện trách nhiệm tài chính. Tình trạng này dẫn đến các mâu thuẫn, tranh chấp… Theo Bộ Xây dựng, việc chậm trễ bàn giao sổ hồng cho khách hàng là do chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục để cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở hoặc cố tình trây ỳ.

“Đỏ mắt” chờ sổ hồng

Chung cư Golden West (lô 2.5HH đường Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) do Công ty CP Phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) làm chủ đầu tư, chưa đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận (hay gọi là sổ đỏ hoặc sổ hồng) cho các căn hộ.

Nguyên nhân được UBND TP Hà Nội chỉ ra là do chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý dự án gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra phục vụ công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận tại dự án.

Cũng tại dự án này, trước đó Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm như: UBND TP Hà Nội 1 lần điều chỉnh quy hoạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc 3 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật khi điều chỉnh tầng cao từ trung bình 6,5 tầng thành 25 tầng, mật độ từ 38% thành 47%, số căn hộ tăng từ 352 căn thành 740 căn, số cư dân tăng từ 2.112 người thành 2.652 người.

Tương tự, theo tìm hiểu của PV Lao Động, mặc dù nhận nhà 15 năm nay, nhưng gần 100 hộ dân tại chung cư G4, khu đô thị mới Yên Hòa (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) vẫn mòn mỏi chờ đợi chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục để đủ điều kiện được cấp sổ hồng.

“Việc nhà không có sổ đỏ trong thời gian dài khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn” - một người dân ở đây chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng ban Quản trị tòa nhà chung cư Công an quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) - cho biết, đã có gần 400 hộ dân về ở tại chung cư này từ năm 2014. Đến tháng 1.2019, chung cư này mới được cơ quan chức năng nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dù cư dân về ở tại chung cư này đã được 9 năm nay nhưng theo ông Sơn, các hộ dân chưa được ký biên bản bàn giao nhà, chưa được nhận hồ sơ hoàn công trong căn hộ. Tất cả các hộ dân chưa được nhận sổ hồng. Lý giải về việc chưa cấp sổ hồng cho cư dân trên, đại diện chủ đầu tư thừa nhận, việc cấp sổ hồng cho cư dân chưa được thực hiện do chủ đầu tư còn đang nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Chủ đầu tư phải bồi thường cho cư dân

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, khách hàng mua nhà là bên vô can, lẽ ra phải được cấp sổ hồng trước, còn nghĩa vụ tài chính phát sinh là quan hệ giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước.

Luật Nhà ở sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành vào ngày 1.1.2025, đã chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi người mua hoặc thuê căn hộ và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sở hữu nhà.

Cụ thể, trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, chủ đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp sổ hồng cho người mua. Cơ quan Nhà nước phải làm rõ các hành vi vi phạm của chủ đầu tư và trách nhiệm của ban, ngành có liên quan trong quá trình chủ đầu tư thực hiện từ thời điểm đề xuất dự án đến khi bán nhà cho khách hàng; đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng phải đề xuất cụ thể nhằm giải quyết triệt để các vi phạm.

Chủ đầu tư phải có trách nhiệm khắc phục các vi phạm làm ảnh hưởng đến công trình đã xây dựng để đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận cho người mua. Trường hợp không có thì phải hoàn trả và bồi thường cho người mua.

Chia sẻ về vấn đề này với PV, luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Giám đốc Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam cho biết, việc người dân mua căn hộ chung cư và chuyển vào ở nhiều năm mà vẫn chưa được bàn giao sổ hồng thì rõ ràng đây là hành vi vi phạm pháp luật của chủ đầu tư.
Theo luật sư Hùng, chủ đầu tư nào chậm bàn giao sổ hồng cho người mua nhà từ sau 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị phạt tiền từ 10 -100 triệu đồng; chậm từ 6-9 tháng sẽ bị phạt từ 30-300 triệu đồng; chậm từ 9-12 tháng sẽ bị phạt từ 50-500 triệu đồng; chậm từ 1 năm trở lên sẽ bị phạt từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn