MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nhà đầu tư sợ bán hớ nên bị mắc kẹt khi cơn sốt đất đi qua. Ảnh: Cao Nguyên

Chủ nhà, đất chán nản vì rao bán cả tháng không ai hỏi mua

ANH HUY LDO | 08/09/2023 08:06

Một số giao dịch phân khúc nhà ở đã xuất hiện nhưng cả thị trường bất động sản vẫn được đánh giá là trầm lắng. Nhiều chủ nhà, đất chán nản vì rao bán thời gian dài nhưng không tìm được khách mua.

Anh Nguyễn Văn Tuấn ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, anh có 2 căn nhà trong ngõ khu vực Mễ Trì. Đầu năm nay, do khó khăn về tài chính và lãi suất vay cao, anh đã quyết định rao bán cả 2 căn nhà trên.

"Tôi đã phải vay ngân hàng hơn 2 tỉ đồng để mua 2 căn nhà trên. Khi gặp áp lực lãi vay tăng, tôi đã chấp nhận bán giảm giá để thu hồi vốn nhưng không tìm được khách mua", anh Tuấn nói.

Rơi vào tình trạng bế tắc trong thời gian dài do không bán được nhà và phải chịu lãi vay cao, đến đầu tháng 6 vừa qua, anh bất ngờ nhận được lời đề nghị cho thuê 2 căn nhà trên với giá 11 triệu đồng/tháng/căn. "Cho thuê nhà là điều tôi chưa từng nghĩ tới, nhưng khi tính toán, tôi thấy hằng tháng, 2 căn nhà trên mang lại cho tôi dòng tiền cố định để chi trả các khoản vay...”, anh Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, anh Trần Văn Tình (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2021, anh mua một mảnh đất ven hồ 1.000m2 ở huyện Thạch Thất với giá 5 tỉ đồng. Mảnh đất này có 20 mét mặt hồ và 100 m2 đất thổ cư.

Anh Tình vừa mua được vài tháng thì cuối tháng 3/2022, cơn sốt đất ven hồ bùng lên, lô đất của anh Tình được hỏi mua lại với giá chênh 500 triệu đồng so với lúc anh mua. Tuy nhiên, anh sợ bán hớ nên quyết định giữ lại chờ giá lên tiếp.

“Tôi nghĩ lãi 500 triệu đồng là quá ít vì lô đất của tôi có vị trí đẹp, nên giá ấy bán sẽ bị hớ nhiều. Hơn nữa, thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng nên tôi không vội vàng gì”, anh Tình chia sẻ.

Tuy nhiên, đến tháng 6.2023, do gia đình có việc cần tiền gấp, anh Tình nhờ các môi giới bán giúp mảnh đất của mình. Mức giá anh gửi bán là 6 tỉ đồng. Nhưng rao bán cả mấy tháng, lô đất của anh Tình có rất ít khách hỏi.

Theo môi giới, hiện thị trường khá trầm lắng, họ giới thiệu nhiều khách, nhưng không mấy ai quan tâm. Thị trường khi có sóng mới đẩy được hàng, còn khi đứt sóng thì giá rẻ cũng chưa chắc bán được, trừ khi giá thật rẻ.

“Dù tôi đã hạ giá 5,5 tỉ, nhưng đến nay gần 3 tháng rao bán vẫn chưa có người hỏi mua. Nếu lúc trước tôi không chần chừ, quyết bán luôn thì giờ thu hồi được vốn về làm việc khác”, anh Tình tâm sự.

Chia sẻ với PV, chuyên gia bất động sản Nguyễn Tuấn Anh cho biết, hiện nay, người mua nắm quyền chủ động trên thị trường. Khách hàng có nhiều sự chọn hơn khi quyết định mua, có thể lựa chọn mua hàng sơ cấp từ chủ đầu tư hoặc hàng thứ cấp cắt lỗ của những người mua giai đoạn trước.

“Để thị trường hồi phục phải có dòng tiền lớn đổ vào lĩnh vực địa ốc, tạo ra thanh khoản và động lực cho việc mua bán. Ngoài ra, giá bất động sản phải hạ. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, năm 2024 sẽ khó xuất hiện một làn sóng mới của dòng tiền đầu tư vào thị trường bất động sản”, ông Tuấn Anh nhận xét.

Theo phân tích của các chuyên gia, nếu như mức giá cao kéo dài trong một khoảng thời gian, người mua không có, nhà đầu tư phải đứng trước áp lực bán cắt lỗ. Tâm lý người mua hiện tại không còn mạnh tay xuống tiền. Họ có phần cẩn trọng và xem xét, cân nhắc kĩ hoặc họ chờ đợi thị trường sụt giảm về giá để vào tiền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn