MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá chung cư thời gian gần đây tăng mạnh. Ảnh: Cao Nguyên.

Chủ nhà và môi giới cùng thổi giá chung cư lên cao

ANH HUY LDO | 25/03/2024 17:28

Từ đầu năm đến nay, người dân có nhu cầu tìm mua chung cư tăng cao. Tuy nhiên, có nhiều phản ánh giá chung cư leo thang một phần do chủ nhà và môi giới đẩy giá lên cao.

Thời điểm này, nhu cầu mua chung cư gia tăng tại Hà Nội và một số thành phố lớn đã đẩy giá chung cư lên cao.

Theo ghi nhận của PV Lao Động trong các ngày gần đây, nhiều dự án đang được đẩy giá lên quá cao so với mức giá sàn mà chủ đầu tư mở bán khiến người có nhu cầu thật sự không dễ tiếp cận sản phẩm. Còn tại một số dự án chung cư cũ, giá vẫn đang được chủ nhà đẩy lên cao…

Đơn cử, như một căn hộ tại chung cư Gemek 1 (ở An Khánh, Hoài Đức) có diện tích 78m2, chủ nhà rao bán với giá 3,55 tỉ đồng (tức khoảng 45 triệu đồng/m2) trong khi giá trung bình đang ở mức 35-38 triệu đồng/m2.

Gần 2 tuần qua, chị Nguyễn Thị Phương Anh (31 tuổi, đang sinh sống tại quận Hà Đông) tìm mua căn chung cư tại quận Thanh Xuân để gần chỗ làm nhưng vẫn chưa chốt được.

Qua tìm hiểu trên các trang mua bán bất động sản, chị Phương Anh thông tin, hiện tại giá bán căn hộ tại dự án Stellar Garden (phố Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân) rơi vào khoảng 55-58 triệu đồng/m2. Như vậy, căn 3 phòng ngủ diện tích từ 90-100m2 có mức giá từ 5-5,5 tỉ đồng.

Một chủ căn hộ chung cư rao bán giá 45 triệu đồng/m2, trong khi giá trung bình đang ở mức 35-38 triệu đồng/m2. Ảnh: Chụp màn hình.

Hay như dự án Moonlight 1 thuộc Khu đô thị An Lạc Green Symphony (Hoài Đức) đang có giá từ 48-51 triệu đồng/m2. Tuy vậy, qua môi giới, mỗi mét vuông nhà được đẩy lên vài triệu đồng so với giá chủ đầu tư công bố, vì thế người đi mua nhà gặp không ít khó khăn.

Chị Phương Anh còn cung cấp thêm chi tiết, để thuyết phục hàng, phía môi giới thực hiện cách thức rất chuyên nghiệp khi lập ra các Fanpage, hội nhóm mạng xã hội và website chuyên rao bán nhà, đất rồi thay phiên nhau rao bán nhà, đất ở mức giá cao.

Các môi giới còn liên kết với nhau để tự tương tác, bình luận khen ngợi về mảnh đất, căn hộ hoặc tự tạo ra các giao dịch mua bán bất đồng sản ảo nhằm tạo sự tin tưởng từ phía người mua thiếu hiểu biết.

Ngày 24.3, chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho biết, để mua nhà không bị hớ thì nên chủ động khảo sát và so sánh giá nhà với các căn hộ tương tự ở cùng dự án, cùng khu vực, cùng phân khúc. Nếu thấy mức giá chênh quá cao so với giá môi giới đưa ra thì cần cân nhắc trả giá hoặc tìm đến chủ nhà.

Dù vậy, liên quan tới thực trạng môi giới ăn “chênh lệch” quá nhiều, vị chuyên gia này cho rằng, hiện nay không hiếm môi giới dùng chiêu trò “lướt sóng” để ăn lợi nhuận bằng cách chỉ đặt cọc với chủ nhà, chủ đất sau đó rao bán lại, khi có khách mua thì họ sang tay ngay để ăn chênh lệch.

Nhưng mức chênh lệch ấy cần phù hợp, không nên quá cao so với thị trường, khiến người mua mất dần lòng tin. Do đó người mua nhà cần tỉnh táo trước các chiêu trò của môi giới.

Từ những dẫn chứng trên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (VARS) - khuyến cáo người mua nhà, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước các chiêu trò của môi giới bất động sản để tránh mất thêm tiền.

Tình trạng này xuất hiện tạo ra sự hỗn loạn cho thị trường và thông tin trở nên bát nháo. Tức là trên thị trường có nhiều giá bán như: giá trần, giá làm hàng, giá chênh… từ đó tạo ra một thị trường không chuyên nghiệp, thiếu minh bạch.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, việc tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường phần lớn là do đội môi giới không chuyên nghiệp, hoạt động tự do. Những người này tung tin, tạo sốt ảo, kịch bản này diễn ra nhiều lần nên cần phải có biện pháp mạnh để xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn