MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội quyết tâm cải tạo chung cư cũ. Ảnh: Tùng Giang

Chủ tịch Hà Nội: Công tác cải tạo chung cư cũ rất quan trọng, cấp thiết

Nguyễn Hà LDO | 11/05/2021 18:23

Ngày 11.5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ thành phố Chu Ngọc Anh đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố triển khai công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.

Theo thống kê, hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư (trong đó, có 34 khu có diện tích đất từ 2ha trở lên và 42 khu có diện tích đất dưới 2ha) và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954; các chung cư xuống cấp, nguy hiểm tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử...

Tình trạng quá tải số người ở tại các căn hộ không đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng; nhiều hộ dân đã tự cơi nới, sửa chữa, ảnh hưởng kỹ thuật và mỹ quan đô thị; có hiện tượng cơi nới lấn chiếm không gian chung; đồng thời, do không được duy tu bảo trì thường xuyên, hệ thống hạ tầng đô thị hư hại, dẫn đến nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, hư hại nặng, nguy hiểm cho người dân.

Quá trình triển khai rà soát, đánh giá toàn bộ các chung cư cũ theo các mức tình trạng kỹ thuật để lựa chọn kiểm định đối với chung cư cũ có dấu hiệu nguy hiểm cấp độ D; kết quả rà soát: có 42 chung cư mức 1, có 1.449 chung cư mức 2, có 88 chung cư mức 3, có 25 nhà còn lại đã được cải tạo, sửa chữa đảm bảo an toàn cho người sử dụng; đã tổ chức kiểm định 401 chung cư.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc về rà soát, kiểm định và lập Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư; quy hoạch; trong lựa chọn nhà đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Về tạo lập quỹ nhà tạm cư; Ưu đãi đầu tư...

Trên cơ sở đánh giá những khó khăn vướng mắc quá trình triển khai thực hiện, Đề án đã đưa ra các nhóm giải pháp trọng tâm: Ban hành Kế hoạch tổng rà soát, kiểm định các nhà chung cư cũ. Trong đó, từ năm 2021-2022, thực hiện kiểm định 126 chung cư có tình trạng kỹ thuật mức 2 đã được Thành phố chấp thuận (83 nhà thuộc các khu; 43 nhà độc lập, đơn lẻ); rà soát, kiểm định 19 khu chung cư cũ đã báo cáo ý tưởng quy hoạch (có nhà nguy hiểm cấp D, cấp C cận D); từ năm 2021-2025: tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định chi tiết đối với toàn bộ các chung cư còn lại. Phân cấp cho UBND cấp huyện tổ chức thực hiện lựa chọn đơn vị kiểm định chung cư cũ độc lập, đơn lẻ trên địa bàn theo kế hoạch; gửi kết quả về Sở Xây dựng để tổng hợp, xây dựng, bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định để triển khai thực hiện quy trình dự án đầu tư; Kế hoạch và bố trí nguồn vốn ngân sách lập các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tổng mặt bằng, đề án; Lựa chọn nhà đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tạo lập quỹ nhà tạm cư; Ưu đãi đầu tư.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị. Ảnh: HN

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh khẳng định, công tác cải tạo chung cư cũ là rất quan trọng, cấp thiết, được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thành phố đã sát cánh cùng Bộ Xây dựng trong việc sửa đổi bổ sung Nghị định 101/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đánh giá các ý kiến đóng góp được đưa ra tại cuộc họp rất xác đáng, có trách nhiệm và yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến, tập trung sửa Tờ trình, báo cáo Thường trực Thành ủy để tiếp tục hoàn thiện để Đề án thực sự khả thi, thuyết phục khi trình Quốc hội ban hành nghị quyết... Đặc biệt, Tờ trình cần nhấn mạnh thêm sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị; trách nhiệm của thành phố, phối hợp giữa các khâu, phân cấp trong các nội dung liên quan...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn