MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà nổi chống bão lũ ở Việt Nam. Nguồn: Đề tài nghiên cứu sinh viên ĐH Bách Khoa TP.HCM

Chuẩn bị tốt cho nhà cửa tránh bão lũ

Bảo Trân (TH) LDO | 17/10/2020 10:15
Trước tình hình khí hậu biến đổi phức tạp, thiên tai “chồng” thiên tai ở Việt Nam, việc nắm được cách chuẩn bị nhà cửa tránh bão lũ trong trường hợp khẩn cấp là điều đặc biệt quan trọng.

Tránh bão

Bão lớn có thể dẫn đến mưa lớn trên diện rộng, gió mạnh, giông bão nghiêm trọng, thậm chí là lũ quét, sạt lở. Một trận bão làm thiệt hại nhiều đến người và của, đặc biệt nhiều công trình, nhà cửa đổ sập hết sức thương tâm.

Việc đầu tiên bạn cần làm là đánh giá mức độ rủi ro của căn nhà, từ nền móng cho đến cảnh quan để biết được những điểm bất cập và kịp thời sửa chữa, thay đổi.

Dọn sạch đồ đạc ở sân vườn trước khi bão đến. Gió lớn có thể cuốn những vật dụng hay cành cây khô bay vào nhà bạn. Thường xuyên dành thời gian kiểm tra cây cối xung quanh nhà, cắt bỏ đi những cành thừa để tránh những cành cây bị bão “bẻ” gãy làm hỏng mái nhà hay xe cộ…

Đóng kín cửa khi bão sắp đổ bộ. Đặc biệt, việc che đi ô cửa sổ là cách giúp giảm lượng gió vào nhà, tránh hư hại đồ đạc tốt nhất. Sử dụng cửa chớp chống bão hoặc ít nhất là các tấm ván ép lót bên trong cửa sổ để tối ưu hóa việc bảo vệ nội thất.

Tránh lũ lụt

Bão và mưa lớn kéo dài khiến các tuyến đường thủy phải chứa quá nhiều nước gây ra ngập lụt. Tình trạng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở các vùng trũng thấp, trong hoặc sau mưa hay vỡ đập thủy điện.

Điều mà nhiều người thường quên là làm sạch máng xối – bộ phận dẫn nước mưa ra khỏi nhà. Máng xối qua nhiều ngày có thể bị lá cây hay các mảnh vụn làm tắc nghẽn gây ra tình trạng đọng nước và thấm ngược vào nhà. Nếu nhà bạn nằm ở vị trí có độ dốc thì nước từ máng xối, và mưa sẽ làm lũ dâng nhanh hơn.

Thông thường, khi có lũ, điện ở toàn khu vực sẽ được ngắt. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, khi thiết kế nhà hãy nâng cao vị trí ổ cắm, dây điện, mạch điện và các thiết bị điện hơn mức báo động lũ lụt cơ bản của địa phương. Việc làm này vừa giúp ngăn ngừa thiệt hại cho hệ thống điện, vừa tránh được nguy cơ chập cháy.

Lúc thiết kế nhà cửa cần đặc biệt chú trọng đến nền móng. Xây móng vững chắc bằng bê tông. Thường xuyên kiểm tra, thay mới hoặc sửa chữa các khu vực dưới và quanh nhà, nếu bạn có tầng hầm thì điều này là đặc biệt quan trọng để ngăn ngừa thiên tai triệt để hơn.

Tóm lại, trên đây là những cách bảo vệ khẩn cấp nhà cửa trước và trong thiên tai. Chuẩn bị và thực hiện đầy đủ những biện pháp này sẽ giữ cho nhà của bạn an toàn nhất có thể. Những phương pháp bảo vệ nhà trước thiên tai sẽ được tối ưu hóa nếu bạn có kế hoạch phòng chống bão lũ chi tiết, cụ thể trước khi xây nhà. Cuối cùng, mặc dù không ai yên tâm khi rời khỏi căn nhà của mình nhưng hãy thực hiện việc di dời nếu diễn biến thời tiết trở nên phức tạp để giữ an toàn cho chính mình và gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn