MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chung cư giãn dân tại Long Biên: Đẹp, rộng nhưng vẫn "thiếu hơi người"

Khương Duy LDO | 24/06/2021 11:27
Được xây dựng khang trang trên diện tích lớn 30ha, người dân đã ký hợp đồng mua nhà nhưng vì nhiều lý do, 5 tòa giãn dân phố cổ tại Long Biên vẫn cứ "vắng hơi người".

This browser does not support the video element.

Toàn cảnh chung cư giãn dân tại Long Biên. Video: Cường Ngô
Năm 2012, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề xuất với UBND Thành phố Hà Nội dành 30ha đất tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên để thực hiện dự án giãn dân phố cổ giai đoạn 2, với hơn 5.000 hộ… Ảnh: Đức Mạnh
Sau đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phối hợp với UBND quận Long Biên và Hoàn Kiếm tổ chức công bố, bàn giao hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch 7 ô đất trong Quy hoạch chi tiết Khu Đô thị mới Việt Hưng (tỉ lệ 1/500) phục vụ dự án nhà ở giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm, diện tích trên 100ha, tại phường Việt Hưng, Thượng Thanh, Đức Giang quận Long Biên. Tuy nhiên, sau nhiều năm xây dựng, nơi đây vẫn “thiếu hơi người“. Ảnh: Đức Mạnh
Khu nhà giãn dân phố cổ tọa lạc trên đường Lý Sơn mới, kết nối giao thông giữa đoạn từ nút giao cầu vượt đường 5 (cầu Chui) với đường Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh đến phía đông nam chân cầu Đông Trù nên được đánh giá giao thông đi lại rất thuận tiện. Ảnh: Đức Mạnh
Dự án gồm 5 block nhà nối nhau liên tục N015 (A, B,C, D, E) trên quỹ đất khoảng 30ha, mỗi tòa 8 - 9 tầng, tổng hơn 80 căn hộ, thang máy đều đã được lắp đặt đầy đủ. Ảnh: Đức Mạnh
Bảo vệ tòa nhà cho hay: “Người dân đã đến ký tên đặt mua nhà rất nhiều rồi nhưng chưa chuyển đến. Mỗi lần xem nhà là có chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và rất nhiều hộ, nếu không có chủ đầu tư đến thì tôi cũng không dám mở cửa cho ai vào”. Ảnh: Đức Mạnh
Một số hạng mục công trình đã bắt đầu xuống cấp, bên trong được tận dụng để chứa vật liệu xây dựng. Ảnh: Đức Mạnh
Cũng theo bảo vệ tòa nhà, những tầng trên hiện được tận dụng cho các công nhân về nghỉ mỗi tối. Các căn hộ đều đã đầy đủ tiện ích, chỉ chờ người đến ở. Ảnh: Đức Mạnh
Người dân sinh sống tại đây cho biết, do vắng vẻ, số lượng bảo vệ ít nên thường xuyên xuất hiện những đối tượng đập phá, trộm cắp. Ảnh: Đức Mạnh
Ông Tuấn - người dân sống cạnh tòa nhà - chia sẻ: “Chung cư đối diện bên kia xây sau chỗ này mấy năm mà dân về ở kín rồi, còn bên này vẫn bỏ hoang. Chúng tôi tận dụng để trồng rau với tập thể dục cho đỡ phí.” Ảnh: Đức Mạnh
Sau thời gian dài hoàn thiện, 5 tòa giãn dân phố cổ vẫn thiếu hơi người. Chừng nào đề án giãn dân phố cổ tiếp tục giậm chân tại chỗ thì 5 tòa nhà trên vẫn sẽ tiếp tục bỏ không, xuống cấp và gây lãng phí nguồn ngân sách khổng lồ. Ảnh: Đức Mạnh

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, đề án giãn dân phố cổ đề xuất những giải pháp làm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha (mật độ khống chế theo quy hoạch đến năm 2020). Điều này có nghĩa phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người. Giai đoạn I của đề án (2009 - 2015) thực hiện di dời 1.530 hộ từ khu phố cổ sang sinh sống tại khu nhà ở giãn dân Việt Hưng (quận Long Biên).

Giai đoạn II của đề án (2013 - 2020) sẽ di dời nốt 5.020 hộ dân đang sống trong khu phố cổ sang khu đô thị giãn dân mới (theo nghiên cứu cần khu đất diện tích khoảng 30ha). Đối tượng giãn dân giai đoạn II gồm các hộ dân sống trong các nhà xuống cấp, đông người nhằm đảm bảo mật độ theo quy định được duyệt và tiêu chuẩn ở bình quân đến năm 2020 là 25m2/người. Tuy nhiên đến nay, đề án vẫn chưa thể về đích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn