MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đánh thuế căn nhà thứ hai chưa chắc sẽ giúp giảm giá nhà. Ảnh: Bảo Chương

Chuyên gia: Chưa phải thời điểm phù hợp thí điểm đánh thuế căn nhà thứ 2

Gia Miêu LDO | 08/03/2023 08:19

Việc đánh thuế bất động sản thứ hai vẫn cần cân nhắc các đặc điểm, cùng điều kiện của thị trường.

Theo đề xuất mới nhất để thay thế Nghị quyết 54/2017 về cơ chế chính sách đặc thù, TP.HCM kiến nghị tăng thu thuế nhà đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng, hoặc bất động sản thứ hai trở lên. Điều này đang tạo nên nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh đề xuất này.

TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư quỹ DGCapital cho rằng, việc đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ tác động đến thị trường, qua đó ngăn chặn tình trạng đầu cơ, bỏ hoang nhà không sử dụng.  Mục tiêu của việc tăng thu thuế được kỳ vọng giúp hạn chế hành vi đầu cơ lướt sóng, tạo cơ hội cho người chưa có nhà tiếp cận, song không hẳn giúp giá nhà giảm đi. Bên cạnh đó, cần phải có những tính toán và hướng dẫn rõ  cũng như lộ trình áp dụng.

Nhiều ý kiến xung quanh đề xuất thí điểm đánh thuế căn nhà thứ hai của TPHCM. Ảnh: Gia Miêu 

Theo quan điểm của ông Lê Hoàng  Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM - HoREA, đề xuất này không phù hợp với lộ trình dự kiến đến khoảng năm 2025 thì Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật thuế. Trong đó, có đề án về Luật Thuế tài sản (Thuế bất động sản) và nhất là hiện nay Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ “khung giá đất” và giao cho cấp tỉnh ban hành “bảng giá đất” hằng năm theo nguyên tắc “việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường”, có nghĩa là giá đất trong “bảng giá đất” sẽ cao hơn và không còn tình trạng giá đất quá thấp, chỉ bằng khoảng 30-50% giá đất trên thị trường như hiện nay.

Theo ông Lê Hoàng Châu, nếu tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở theo phương án “thí điểm” thì sẽ làm tăng thêm mức chịu thuế của người dân tại thành phố Hồ Chí Minh và càng không hợp lý bởi lẽ chỉ trong khoảng 2 năm nữa thì sẽ xem xét sửa đổi các luật thuế, trong đó có dự kiến bổ sung thuế tài sản và dự kiến Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét ban hành vào cuối năm 2023.

Còn với đề xuất thí điểm “tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên” với mức thuế suất tăng khá cao so với mức thuế suất hiện nay là 2% giá trị hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất thì người bán, chuyển nhượng nhà đất thứ 2 tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải nộp thêm tiền thuế do “được thí điểm trước” là không hợp tình hợp lý.

Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính khi xây dựng Đề án Luật Thuế tài sản (Thuế bất động sản), trong đó có nghiên cứu đánh thuế người có nhiều nhà đất, hoặc chậm hoặc không đưa nhà đất vào sử dụng thì cần phải đánh giá tác động của luật thuế thật đầy đủ, chính xác đối với các đối tượng chịu thuế, nhất là đối với hộ gia đình, cá nhân để luật thuế vừa tạo nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước, vừa phù hợp với đối tượng chịu thuế, vừa bồi dưỡng nguồn thu, không tận thu, vừa là công cụ hiệu quả để điều tiết thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch HoREA nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn