MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản ở các tỉnh Tây Bắc ngày càng được các nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Long Nguyễn

Chuyên gia hiến kế ngăn chặn hành vi lừa bán bất động sản

Long Nguyễn LDO | 23/02/2023 08:00
Trong khi dư luận xã hội có nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo quy định bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn thì giới chuyên gia cho rằng, đây là cách hay để ngăn chặn hành vi lừa đảo mua bán nhà đất, nhất là đối với các tỉnh vùng cao.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Luật sư Lê Hoàng Phúc An (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X) chia sẻ, đối với người dân ở các tỉnh vùng cao, vùng sâu, vùng xa không phải ai cũng có đủ kiến thức pháp lý khi mua bán, giao dịch nhà đất.

Đó là lý do giao dịch bất động sản cần qua sàn (theo dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đang lấy ý kiến rộng rãi). Sàn giao dịch sẽ thay khách hàng kiểm tra, rà soát dự án một cách chuyên nghiệp, chính xác. Ngoài ra, quy định này còn giúp quy trình mua bán bất động sản minh bạch thông tin, chuyên nghiệp, tuân thủ quy định pháp luật, tránh thất thu thuế cũng như ngăn chặn hành vi lừa đảo mua bán nhà đất.

Tuy nhiên, theo Luật sư Phúc An, để quy định được áp dụng thống nhất, không gây trở ngại cho người dân, cơ quan dự thảo cần tính toán cẩn thận và có khoảng thời gian chuyển tiếp để xã hội kịp thích ứng và các khâu được phối hợp phát huy ưu điểm.

Qua tư vấn pháp lý nhiều phát sinh tranh chấp do mua bán hai giá (kê khai trong hợp đồng công chứng giá thấp hơn nhiều so với giao dịch thực) ở một số tỉnh Tây Bắc, vị chuyên gia pháp lý chia sẻ: “Bất động sản là loại hàng hóa có quá trình hình thành rất phức tạp và trong thời gian kéo dài, chỉ người bán mới nắm được những thông tin về tình trạng pháp lý.

Việc mua bán bằng miệng, qua giấy viết tay ở một số nơi đã phát sinh nhiều bất cập, tranh chấp về sau. Do vậy, các sàn giao dịch sẽ là người đứng ra bảo vệ lợi ích cho khách hàng và kiểm soát, minh bạch thông tin. Đồng thời, các giao dịch qua sàn cũng chống được việc rửa tiền và tránh hiện tượng trốn thuế”.

“Cần các giải pháp khác như: Giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng; phổ cập hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai ở tất cả các các tỉnh thành” - nữ luật sư đề xuất. 

Vị chuyên gia pháp lý cũng kiến nghị chính quyền địa phương tỉnh vùng cao cần mạnh tay xóa các “chợ cóc” bất động sản do cò đất lập ra.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hoàng Phúc An cho rằng, cần xem xét hình sự hóa hành vi “thổi giá” gây sốt đất ảo thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng là một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến nền kinh tế, lợi ích chung của cộng đồng. Cần xây dựng tội danh với hành vi thao túng thị trường bất động sản tương tự như “Tội thao túng thị trường chứng khoán trong lĩnh vực chứng khoán” (Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015) để bảo vệ các quan hệ pháp luật, bảo vệ tài sản; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và hơn hết là niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn