MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có bao nhiêu dự án nhà ở xã hội tiếp cận được gói hỗ trợ?

CAO NGUYÊN LDO | 01/08/2022 16:03

Bộ Xây dựng cho biết, đến ngày 05.7.2022, Bộ đã công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, giai đoạn 1 là 4 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với tổng mức đầu tư là 4.665 tỉ đồng, tổng mức vay dự kiến là 1.751 tỉ đồng.

Theo Bộ Xây dựng, trong quý II.2022, có một số chính sách mới và các văn bản chỉ đạo điều hành tác động đến thị trường bất động sản. Cụ thể, có Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20.5.2022 của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20.5.2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Trong Thông tư này có hướng dẫn hỗ trợ lãi suất 2% cho cả những đối tượng thực hiện xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 31.01.2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương đã khởi công 11 dự án với tổng số khoảng 25.850 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1.292.500m2.

Ngoài ra, thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đến nay có 41/63 địa phương có báo cáo gửi về Bộ Xây dựng, trong đó báo cáo số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai là 240 dự án, dự kiến nhu cầu vay vốn là 34.552 tỉ đồng; có 82 dự án cải tạo chung cư cũ, dự kiến nhu cầu vay vốn là 6.418 tỉ đồng.

Trên cơ sở rà soát các điều kiện đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 05.7.2022, Bộ Xây dựng đã công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, giai đoạn 1 là 4 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với tổng mức đầu tư là 4.665 tỉ đồng, tổng mức vay dự kiến là 1.751 tỉ đồng.

Theo quy định, để được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều điều kiện, bao gồm: Thứ nhất, đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn thông thường của các NHTM; Thứ hai, đáp ứng được điều kiện đã ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2022 đến 31.12.2023; Thứ ba, sử dụng vốn đúng mục đích; Thứ tư, chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.

Một số doanh nghiệp cho rằng, Nghị định 31/2022/NĐ/CP được ví như “phao” giúp doanh nghiệp tăng thêm vốn lưu động, giúp duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Thế nhưng quy định quá khắt khe khiến nhiều doanh nghiệp khó lòng tiếp cận.

Nhận xét về các điều kiện cho vay, ông Phạm Huy Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho rằng với các tiêu chí siết chặt như trên doanh nghiệp rất khó tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất này.

Bởi lẽ theo ông Hùng, tác động của đại dịch COVID-19, với tiêu chí không có nợ xấu, phải có doanh thu, có tài sản bảo đảm, đa số doanh nghiệp khó đáp ứng được.

Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (7,8 triệu m2), giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận khách quan, thẳng thắn để tập trung khắc phục sớm nhất có thể.

Cụ thể, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện kịp thời, như về đối tượng tham gia, thụ hưởng; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý mua – bán.

Việc thực hiện các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải thực hiện qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài, không gian sáng tạo, phát triển nhà ở xã hội còn chật hẹp so với yêu cầu; chưa tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý để phát triển nhà ở xã hội, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, sát thực tế, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư…

Ngân sách Nhà nước còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội; cũng chưa có cơ chế huy động các nguồn lực hợp tác công tư một cách hiệu quả, hệ thống...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn